Friday

TRÊN ĐƯỜNG BIÊN GIỚI

TRÊN ĐƯỜNG BIÊN GIỚI

Lời nói đầu: Đây là một câu chuyện có thật xảy ra vào thời gian năm 1982 tại vùng biên giới Thái- Miên Aranya Prathet. Tác giả sống ở vùng này một thời gian ngắn và đã trực tiếp chứng kiến nên ghi lại trong truyện như những giòng hồi tưởng một quãng đời đã qua, để nhớ những người bạn đã gặp trên bước đường lưu lạc. Tên các nhân vật trong truyện đều là những người có thật mà tác giả có dịp được gặp.
VUG


1.
Vũ lơ đãng ngó qua khung cửa kính xe ra hai bên đường. Những hàng cây như nối đuôi nhau chạy vùn vụt về phía sau; từng cánh đồng ngập nước và những đám mạ mới cấy thành hàng thẳng tắp khiến anh nhớ đến con đường Quốc Lộ 4 nối liền Sàigòn - Mỹ Tho mà ngày xưa trên đường hành quân anh thường đi qua. Cũng những cánh đồng nước lấp xấp xanh rì màu mạ xa hút tầm mắt; mỗi lần gió thổi lại bồng bềnh như những gợn sóng lăn tăn cuốn trôi vào vô tận.
Giòng ký ức mù xa như cơn thác lũ bủa vây con người anh. Trí nhớ thui chột sau bao nhiêu tháng năm dài trong lao tù cộng sản tưởng chừng không thể hồi phục được bỗng nhiên ùa ập kéo về tràn đầy cân não. Anh chợt cười vu vơ. Thời gian trôi đi quá nhanh, mới thoáng đó mà Vũ đã rời quân ngũ gần 10 năm. Mười năm của một đời người quả là ngắn ngủi; cái thoáng chốc với bao nhiêu đổi thay, thăng trầm như từ đen qua trắng, từ vàng sang đỏ, từ tự do dân chủ sang cộng sản chuyên chính. Cộng sản như một thứ giòi bọ rúc rỉa cơ thể con người, biến đổi con người thành những xác ma vật vờ sống dở, chết dở bên lề cuộc đời. Con người cộng sản lúc nào cũng thiển cận, ngoan cố khư khư mang trong đầu một thứ lý thuyết rỗng tuếch vay mượn, vá víu để tự lừa dối chính họ và lừa dối mọi người. Họ lúc nào cũng huênh hoang khoác lác bằng những ngôn từ đao to búa lớn "hiện thực xã hội chủ nghĩa", để cố gắng che giấu sự ngu dốt của họ. Họ không chịu mở rộng tầm mắt nhìn ra thế giới bên ngoài; để thấy rằng trong khi thế giới đã tiến triển vượt bực về mọi mặt, thì họ đi thụt lùi càng ngày càng xa về phía sau. Họ không có đủ tri thức tối thiểu để ngừng lại đúng lúc, đúng chỗ mà cứ tự đánh lừa mình bằng thứ chủ nghĩa ưu việt giật lùi; dù vẫn biết chỉ là thân phận của một thứ ếch nhái, ễnh ương nhưng khi thấy tiếng kêu uôm uôm của mình dưới đáy giếng đã vội nghĩ là mình to giống con bò, nên cố phình bụng cho to bằng bụng bò...
Vũ chợt cười thích thú khi nghĩ đến mẩu chuyện ngụ ngôn của Lafontaine rất thích hợp với cộng sản. Những con người dốt nát ấy khi đã nắm được quyền lực trong tay thì mặc sức tự tung, tự tác hành động theo kiểu suy nghĩ nông cạn, thấp kém của họ. Vì vậy chỉ trong một thoáng chốc sau khi chiếm trọn Miền Nam, cộng sản đã dìm cả nước trong thảm kịch bi đát nhất lịch sử nhân loại. Đã đẩy con người đi ngược trở lại thời thời hoang dã, nghèo nàn, lạc hậu và ngu dốt cả trăm năm trước. Cái thoáng chốc ấy đã biến anh và toàn dân Miền Nam đắm chìm xuống đáy sâu vực thẳm của địa ngục đỏ...

2.

Chiếc xe du lịch màu trắng mang bảng số ngoại giao của Tòa Đại sứ Mỹ tại Bangkok vẫn lao như bay trên con đường đất đỏ hướng về phía biên giới Thái - Miên, bỏ lại phía sau một đám bụi mù mịt. Lác đác dăm ba chiếc "xảm ló" (1) chạy lọc cọc, chìm lấp trong lớp bụi đỏ do chiếc xe chở Vũ tung lên.
Ram Ruong, người Trung úy sĩ quan liên lạc thuộc đơn vị 309 Tình Báo Biên Giới của Quân Đội Hoàng Gia Thái, ngồi ở băng ghế trước cạnh tài xế, có nhiệm vụ đi theo Vũ để liên lạc và phiên dịch tiếng Thái khi cần thiết, đang ngủ gà ngủ gật, đầu ngoẹo sang một bên, lắc lư theo độ nhún của chiếc xe. Ngưới tài xế Thái mắt chăm chú ngó về phía trước tay giữ chặt volant. Vũ cảm thấy mỏi nhừ cả người vì phải ngồi trên xe suốt chặng đường dài hơn 500 cây số từ thủ đô Bangkok ra quận lỵ Aranya Prathet, thuộc Tỉnh Prachin Buri, nằm về phía Đông Bắc Thái Lan.. Trong phiên họp hôm qua ở Cơ quan DAO thuộc Văn phòng Tùy Viên Quốc Phòng Tòa Đại sứ Mỹ, Vũ đã nhận được lệnh đi ra vùng biên giới này để thanh lọc một số bộ đội Việt cộng mới bị bắt trong trận giao tranh giữa quân đội Thái và lực lượng Việt cộng chiếm đóng Campuchia. Nhân tiện anh cũng định đi ra mấy Trại Tị nạn đường bộ như NW.82 của Thái và Nong Chan, Nong Samit của Kháng Chiến Miên để tìm Nguyễn Bá Ruyệt (2), một người Việt tị nạn vượt thoát bằng đường bộ qua ngả Campuchia, đã bị thương một chân vì đạp phải mìn của Khmer Đỏ. Ông David Campbell, xếp trực tiếp của Vũ dăn anh:
- Ông đi ra biên giới cần phải cẩn thận và nhớ kỹ là: Quận lỵ Aranya Prathet cách biên giới Thái - Miên có 5 cây số. Ban đêm ở đó ông có thể nghe thấy tiếng pháo binh của VC départ. Nếu không muốn mất mạng, ông tuyệt đối không nên đi vào các làng Việt Nam vì gần như 100% bọn họ là thành phần dân đồn điền cao su, sang Thái từ trước năm 1945, vẫn trung thành và ủng hộ Hồ Chí Minh..."
Vũ mỉm cười vu vơ. Không ngờ mình đã rời quân ngũ một thời gian dài, nay lại có dịp trở ra chiến trường, nghe lại tiếng súng quen thuộc. Lòng Vũ nôn nao háo hức một cách khó tả. Anh bâng khuâng nghĩ đến những ngày sôi động trong cuộc chiến chống Cộng của quân dân Miền Nam. Nhớ từng kỷ niệm vui buồn của đời quân ngũ. Nhớ những bạn bè đồng đội từng sát cánh với nhau trên khắp các mặt trận nóng bỏng khói súng. Bao nhiêu đứa bạn của anh đã ngã xuống, lấy máu thấm mảnh đất cằn cỗi ở những điạ danh xa lạ: Tàu Ô, Xa Mát, Kà Tum, Bù Đăng, Bù Đốp, Chu Prong, Đức Cơ, Pleime... chỉ vì muốn sống tự do, chỉ vì muốn bảo vệ nhân dân miền Nam trước nanh vuốt bạo tàn của giặc cộng. Bao nhiêu thằng đã kéo lê kiếp sống buồn tủi, nhục nhằn trong những trại biến hình cải tạo của cộng sản sau khi Miền Nam bị rơi vào tay giặc thù và bao nhiêu thằng đã lang thang phiêu bạt quê người?
Ngày đó đã lùi xa vào quá vãng, chỉ còn lại trong anh những dư âm xao động của một thời, một tuổi. Bây giờ anh cũng trở lại vùng chiến trường sôi động được cả thế giới chú ý đến vì sự diệt chủng của nhóm cộng sản cuồng tín Khmer Đỏ do Pôn Pốt lãnh đạo; cũng bởi sự chiếm đóng lâu dài của CSVN trên đất Campuchia và vì người dân Việt - Miên - Lào ròng rã bao nhiêu năm trời, bằng mọi cách vượt thoát khỏi thiên đường đỏ của cộng sản mặc những hiểm nguy, gian lao và khổ ải. Cả thế giới đã bàng hoàng thức tỉnh khi nhìn vào con số những người vượt thoát mỗi ngày một đông để chứng tỏ một điều là dưới chế độ cộng sản, con người chỉ mang thân phận của một thứ nô lệ mới, bị tước đoạt mọi quyền sống tối thiểu của con người. Họ đã bất chấp mọi hiểm nguy, chết chóc để chỉ kiếm tìm một hơi thở tự do trân quý chẳng thể nào có được trong thế giới cộng sản... Anh trở lại vùng biên giới kỳ này với danh nghĩa một viên chức của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ. Dưới mắt của người Thái, họ vẫn nhìn anh là một người Mỹ, viên chức của chính phủ Mỹ - "Khun Phá lẳng" (3) - họ thường gọi anh như vậy. Đôi khi mấy người Thái còn gọi anh là Khun Chanas Michay (4) theo tiếng Thái. Đối với những người Mỹ làm chung trong Tòa Đại sứ thì anh là Mr.Victor, một nhân viên Việt Nam vui tánh, nhưng hay cãi cọ, cự nự người Mỹ mỗi khi nhắc đến chiến tranh Việt Nam. Anh thường kết tội người Mỹ là thủ phạm chính giết chết cả một quốc gia Việt Nam Cộng Hòa và đẩy hàng nhiều trăm ngàn người vào những trại tập trung cải tạo của cộng sản mà điều kiện sống ở dưới mức tối thiểu nhiều chục lần. Người Mỹ đã phản bội người bạn đồng minh của họ khi bằng mọi cách ép buộc Miền Nam phải công nhận phiến cộng là một thực thể. Đã đâm sau lưng những chiến sĩ bảo vệ tự do như anh và bạn bè, đã nhẫn tâm dìm cả một dân tộc trong vòng kìm kẹp vô nhân của bọn cộng sản... Mấy người Mỹ lúc đầu còn cố tranh luận với anh; nhưng ở với nhau lâu ngày thì họ đã biết anh hay "nổi nóng" mỗi khi nhắc đến chiến tranh Việt Nam, nên chẳng ai dám khơi lại đống tro tàn này với anh nữa. Đối với đồng bào tị nạn ở các trại Sikiew, Panat Nikhom, Aranya Prathet, NW.82 hoặc Suan Plu... họ thường kêu anh là Anh Ba một cách thân mật khi có dịp tiếp xúc. Lâu ngày nên chẳng mấy ai gọi tên thật của anh...

3.

Chiếc xe đã đi vào khu Thị trấn của quận ly Aranya Prathet. Vũ đã nhìn thấy những ngôi nhà mái ngói đỏ và nhiều cửa tiệm buôn bán sầm uất. Vũ không thể nào ngờ được một quận lỵ hẻo lánh mà phố xá buôn bán sầm uất như ở đây.
Nước Thái được lợi thế không bị chiến tranh tàn phá nên đã tiến quá nhanh, vượt qua những nước láng giềng bằng đôi hia bảy dặm. Nếu Thái không bị tệ nạn tham nhũng, bè phái đục khoét thì họ còn tiến xa hơn nhiều.
-Đã đến Aranya Prathet rồi. Ông có muốn ngừng lại để giải khát không? Ram Ruong hỏi Vũ.
-Thôi khỏị Anh cho xe chạy thẳng lại văn phòng của nhân viên Tòa Đại sứ ở vùng này nhé. Còn bao xa nữa? Vũ hỏi.
- Cũng gần đến rồi. Qua cái ngã tư kia quẹo trái thì đến căn cứ của "Pẹt Xảm Pẹt" (Tiếng Thái có nghĩa là 838) (5). Họ ở trong căn cứ đó. Ram Ruong trả lời.
- OK. Anh cho tôi đến đó trước. Tôi cần họp với Mr.Larry về những công việc ở đây. Anh và người tài xế có thể đi chơi thăm phố xá. Khoảng 5 giờ chiều thì mình gặp nhau ở chỗ Larry. Tối mình sẽ đi ăn và nghe nhạc. Vũ nói.
- "Khấp phổm" (6). Ram Ruong nói giọng kính cẩn vì nghe nói buổi tối được đi ăn và đi phòng trà nghe nhạc. Anh thường có thói quen ban ân sủng cho những người Thái trong toán liên lạc nên họ rất thích anh. Chiếc xe ngừng lại ở Trạm gác một trại lính. Có lẽ đây là căn cứ của đơn vị 838 mà Ram Ruong vừa nói. Người lính mặc quần áo rằn ri giơ tay chào theo kiểu nhà binh. Viên tài xế đưa cho anh ta xem tờ Sự Vụ Lệnh; sau khi nhìn sơ qua, y đứng nghiêm chào và ngoắc tay cho xe đi.
Xe ngừng lại ở một khu nhà vòm tiền chế. Kiểu nhà này Vũ thường nhìn thấy trong các căn cứ của Quân đội Hoa kỳ ở Việt Nam. Vũ xuống xe, xách cặp bước vào căn nhà có treo tấm bảng "Office". Larry tươi cười đón Vũ ở cửa, bắt tay Vũ thật chặt. anh đã gặp và trò chuyện với Larry nhiều lần trong khuôn viên Tòa Đại sứ Mỹ ở Bangkok. Sau vài câu thăm hỏi xã giao thông thường, Larry đưa Vũ đến phòng họp và thuyết trình cho anh biết tình hình chiến sự ở biên giới Thái - Miên. Sau khi Larry thuyết trình xong, Vũ hỏi:
- Ông có thể cho biết tình hình các trại tị nạn ở dọc biên giới và số bộ đội Việt cộng hiện ở trại nào không?
- Ở ngay trong vùng này có các trại NW.82, Nong Chan, Phnom Chat, Ban Sangea, Nong Samet, Khao I Dang và Aran Jail. Trại NW.82 hiện chứa trên 1000 người Việt Nam; Trại Nong Chan, Phnom Chat, Ban Sangea và Nong Samet nằm trong vùng kiểm soát của 3 lực lượng kháng chiến Miên và ở mỗi trại có khoảng vài trăm người Việt, họ chưa được nhận là tị nạn và cuối cùng là Trại Khao I Dang chứa khoảng 20000 người Kampuchia, tuy nhiên trại này cũng có một số người Việt đang nằm điều trị trong Bệnh xá; còn đám bộ đội cộng sản Việt nam dù đào ngũ bỏ đơn vị trốn sang Thái hay bị bắt ngoài chiến trường đều bị giam giữ trong nhà giam của Đơn vị 506 Tình Báo Biên Giới thuộc Quân đội Hoàng Gia Thái Lan. Tôi sẽ giới thiệu ông với Đại tá Tong Đen, Chỉ huy trưởng Đơn vị 506. Larry nói.Vừa lúc đó một người Á châu trắng trẻo bước vào phòng họp. Larry đưa anh ta đến giới thiệu với Vũ:
- Đây là Mr.Victor, nhân viên Văn Phòng Tùy viên Quân Sự của Tòa Đại sứ Mỹ ở Bangkok. Còn đây là Trung úy Sẳng, Sĩ quan liên lạc của đơn vị 506.
Vũ đưa tay bắt viên sĩ quan Thái. Anh ta chắp hai tay trước ngực vái Vũ theo lối chào truyền thống của Thái Lan:
- Sa wạt đi khấp (7) . Sẳng nói.
Vũ cũng nói với Sẳng bằng tiếng Thái: "Sa wạt đi!" (Xin chào!)
-Ồ! Ông nói được tiếng Tháỉ
Vũ cười: "Phổm pút ba xả Thài níc nòi." (Tôi nói được một chút tiếng Thái) (8)
Cả ba cùng cườị Quay sang Vũ, Larry nói:
- Trung úy Sẳng sẽ giúp ông trong công tác thanh lọc số bộ đội VC ở Aran Jail.
- Vậy thì tốt quá. Bao giờ chúng ta có thể bắt đầu được? Vũ hỏi.
-Ngày mai được không ông? Vì bây giờ đã gần 4 giờ chiều rồi. Sẳng nói.
- OK. Vậy đúng 9 giờ sáng mai ta sẽ gặp nhau ở đây để làm việc nhé. Trung úy có biết ở đây nhà hàng nào ngon không? Tối nay tôi xin mời quý vị đi ăn tối.
- Ở đây có nhà hàng Valentine vừa nấu ăn ngon lại có nhạc sống. Ông có thích đến đó không? Mr.Larry và tôi thỉnh thoảng cũng đến đó ăn.
-Chúng tôi nhờ sự hướng dẫn của Trung úy vậy. Ông là dân địa phương mà. Vũ nói.
- Tôi cũng không phải người địa phương ở đây đâu. Nhà tôi ở Bangkok và cũng mới thuyên chuyển về đơn vị "Hà Sủn Hột" (đơn vị 506) (9) được mấy tháng thôi. Mr.Victor này! Ông đã gặp Thomy chưa nhỉ?
- Thomy là ai? Vũ ngạc nhiên hỏi. Larry đỡ lời:
- Thomy là một người Việt Nam làm việc cho văn phòng chúng tôi ở đây. Để tôi gọi máy báo cho hắn biết có ông đến.
Vừa nói, Larry vừa cầm ống liên hợp của máy truyền tin gọi:
- Eagle! Eagle!
- Ranger. Over
Tiếng máy kêu rè rè. Trên tần số có tiếng trả lời: "Ranger! Eagle. Over"
"Eagle! Anh có thể trở về main compound bây giờ không? Over."
"Ranger! Không thể được vì chiếc xe đã đi chợ rồi. Tôi đâu có phương tiện đến đó. Over."
"OK.Vậy anh chuẩn bị đón tiếp một người khách đặc biệt đến từ Bangkok nhé. Đó là Mr.Victor mà tôi đã nói với ông sáng nay"
"OK. Nhận rõ 5 trên 5. Over."
Larry gác ống liên hợp, quay sang nói với Sẳng:
Nhờ anh chở Mr.Victor đến chỗ Thomy được không? Tôi phải đi họp với Thiếu tướng Tư lệnh Sư đoàn bây giờ.
- Dạ không trở ngại gì. Đằng nào tôi cũng đi ngang đó mà.
- À! Ông Victor sẽ ngủ lại đây hay ở chỗ Thomy?
Larry quay sang Vũ, hỏi:
- Ông muốn ở lại đây hay ở nhà Thomy? Ở đây thì đã có sẵn 3 phòng dành cho khách.
- Thôi để Ram Ruong và tài xế ở đây; tôi ở lại chỗ Thomy.
Nói xong Vũ bắt tay Larry, nói: Vậy tối nay mình gặp lại nhau nhé.
Vũ nghĩ thầm: "Ở nhà của Thomy có lẽ dễ chịu hơn vì anh có thể trò chuyện bằng tiếng Việt với hắn.

4.

Vũ xách hành lý leo lên xe của Sẳng. Gió từ những cánh đồng trống thổi về mát rượi. Vừa lái xe, Sẳng vừa giới thiệu cảnh vật và địa hình vùng Aran cho Vũ biết. Chỉ về phía biên giới ở hướng đông, Sẳng nói:
- Mình chỉ cách biên giới có 5 cây số đường chim bay ông có biết không? Phía kia là con đường đi Sisophon, nơi đồn trú của Sư đoàn 5 Biên phòng Việt cộng. Đa số bộ đội hiện bị giam ở Aran Jail đều thuộc đơn vị nàỵ Ngọn núi phía Bắc là Khao I Đăng, Trại tị nạn Khmer lớn nhất vùng này, có khoảng trên dưới 20000 người Miên ở trong đó. Còn phía kia là Trại NW.82 hiện đang chứa khoảng 1000 người Việt đi đường bộ. Vừa nói, Sẳng vừa đưa tay chỉ về phía trước cho Vũ thấy.
- Có khi nào anh đi đến các trại đó không? Vũ hỏi Sẳng.
- Có chứ. Hàng tuần tôi đến các trại để chở người tị nạn về Aran để thẩm vấn. "Hổ ná" (10) muốn đi tôi chở đi. Vũ phì cười: "Thôi! Anh đừng kêu tôi là Hổ ná. Cứ gọi là Victor được rồi."
- Khấp phổm (6). Sẳng cho xe từ từ quẹo vào trong sân một ngôi biệt thự nằm bên tay trái đường, phía trước có treo một tấm biển gỗ lớn và hai hàng chữ Thái ngoằn ngoèọ Vũ hỏi Sẳng:
-Tấm bảng đó nói gì vậy?
- Ồ! Đây là căn nhà của Đại tá chỉ huy Cảnh sát "Pẹt Xảm Pẹt" (tiếng Thái là 838) (5) cho Larry thuê làm chỗ ở và làm việc của Thomy. Tấm bảng ghi tên, cấp bậc và chức vụ của Đại tá.
Ngôi biệt thự khá xinh xắn và rộng rãi, tọa lạc trên một mảnh đất rộng. Chung quanh trồng khoảng 20 gốc xoài lớn, tàn lá xum xuê. Một người đàn ông trạc tuổi Vũ, da ngăm đen, mặc quần soọc, áo pull đứng chờ sẵn ở sân. Vũ đoán có lẽ đây là Thomy mà Larry đã nói đến.
-Chào Trung úy Sẳng. Anh khỏe không? Thomy nói với Sẳng bằng tiếng Anh.
- Hi! Thomy. I ‘m fine and you? Đây là Mr. Victor đến từ Bangkok.
Vũ xiết chặt tay Thomy, nói bằng tiếng Việt: "Chào anh. Tôi nghe Larry nói nhiều về anh, nhưng nay mới được gặp"
- Chào anh Victor. Mình vào trong nhà nói chuyện nhiều hơn.
Sẳng đưa vali của Vũ cho Thomy.
- Tôi có việc phải đi. Chiều nay tôi sẽ đến. Sẳng giơ tay chào Vũ và Thomy theo kiểu nhà binh rồi leo lên xe lái đi.

5.

Thomy tên thật là Thạch Thom, một người Việt gốc Miên, làm việc trong văn phòng của Larry đã được gần 2 năm. Anh là cựu Đại úy và phục vụ ở Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I ở Đà Nẵng. Sau khi Miền Nam Việt Nam bị rơi vào tay cộng sản vì những thủ đoạn hèn hạ đánh lừa Mỹ và dư luận thế giới; trong lúc dân chúng Mỹ đã chán ngán cuộc chiến ở một vùng đất xa lạ; họ chỉ muốn chấm dứt ngay những sự hy sinh con em họ ở phần đất lạ lẫm và khốc liệt ấy vì thế mà Mỹ đã phản bội quân dân Miền Nam, nhắm mắt làm ngơ trước những khổ đau chồng chất của nhiều chục triệu quân dân Miền Nam; để cho cộng sản cưỡng chiếm Miền Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Thomy cũng như bao nhiêu quân cán chính VNCH khác, bị tập trung cải tạo một thời gian dài. Sau khi ra khỏi nhà tù cộng sản, nhờ là người Việt gốc Miên nên anh đã đi tìm tự do bằng đường bộ vượt qua Kampuchia năm 1980. Khi sang đến Thái Lan, anh được Larry lấy ra khỏi trại và cho làm việc ở văn phòng này từ đó đến nay. Cũng nhờ gốc gác là người Việt gốc Miên, nói thông thạo tiếng Khmer, nên Thom đã móc nối với người Miên để họ về Việt Nam mang được 2 đứa con trai sang với Thom. Vì đã ở Thái hơn 2 năm, anh rất muốn đi dịnh cư ở Mỹ để 2 con có cơ hội học hành, nhưng tìm mãi chưa có người thay thế. Thomy khẩn khoản nhờ Vũ có dịp đi nhiều Trại, gặp gỡ nhiều anh em có khả năng, kiếm giúp anh một người ra làm việc thay cho anh vì anh đã có tên trong danh sách đi Hoa Kỳ vào tháng sau... Việc kiếm người ra làm việc khó khăn vì đòi hỏi kẻ ứng tuyển phải có trình độ Anh ngữ thông thạo, có khả năng về điều hành, có trí thông minh để có thể thẩm vấn tù binh VC, không tham lam và không có thành tích xấu trong quá khứ. Chính vì thế sau này Vũ đã giới thiệu nhiều anh em ra làm việc như: Nguyễn Ngọc Thuận, Vũ Ngọc Bách, Bùi Minh Ngọc, Nguyễn Văn Hồng, Tôn Thất Hồng (12), v.v... ra làm việc ở văn phòng này.
Vũ và Thom trò chuyện với nhau thật lâu. Dù mới gặp nhưng tưởng chừng như đã quen nhau từ nhiều năm trước vì cái tình "huynh đệ chi binh" và vì cùng hoàn cảnh tù đầy cải tạo, nên trò chuyện hoài không dứt. Bao nhiêu chuyện vui buồn đời quân ngũ lại được dịp trao đổi với nhau, bao nhiêu khổ ải nhục nhằn trong những trại biến hình của cộng sản lại có cơ hội tràn ra khỏi miệng, những kỷ niệm xót đắng của kiếp bại binh trong đạ ngục đỏ lại được hai người kể lại cho nhau nghe tưởng chừng không dứt. Bất chợt như nhớ ra chuyện gì, Thom nói với Vũ giọng khẩn khoản:
- Có một chuyện này không biết ở Bangkok anh đã nghe chưa? Hiện tại trong Aran Jail có giam một Trung úy Phi công VNCH. Tay này bị Thái họ giam giữ khoảng 9 tháng nay, không cho ai tiếp xúc. Tôi cũng chưa được gặp. Người Thái cho rằng anh ta làm gián điệp cho Cộng sản Việt Nam nên biệt giam ở khu đăc biệt, bị "đeo kiềng" (13) 24 trên 24.
- Tên anh ta là gi`? Vũ tò mò hỏi.
- Lý Tống. Ông Đại tá Tong Đen, Chỉ huy trưởng Đơn vị 506 Tình Báo Biên Giới Thái gửi hồ sơ sang nhờ Mr.Larry gửi về Hoa Thịnh Đốn để sưu tra lý lịch của Tống. Trong đó chỉ ghi vỏn vẹn có mấy hàng: tên, cấp bậc và không có số quân. Anh nghĩ coi, có thằng lính nào lại không có số quân? Không có số quân thì làm sao sưu tra được? Vì vậy mà kết quả gửi về từ Hoa Thịnh Đốn là "Trong Quân Lực VNCH và Không Quân VNCH không có ông Đại úy nào tên Lý Tống mà không có số quân..." Vừa nói, Thomy vừa lôi trong ngăn kéo ra một xấp hồ sơ đánh máy, có bút phê bằng tiếng Thái và tiếng Anh cho Vũ coi.
Vũ cầm lấy đọc. Đây là Bản Cung Từ Tù Binh do Đơn vị 506 thiết lập được dịch sang tiếng Anh. Vũ thấy kẹp chung còn có một tấm card 3x5 loại thường lưu trữ hồ sơ và sưu tra lý lịch. Anh đọc được những chi tiết sau:
-True name: LÝ TỐNG
-Rank: Captain
-Unit: VNAF (Vietnam Air Force)
-Serial Number: None
Bên cạnh những hàng chữ này là bút phê bằng tiếng Thái chằng chịt, ngoằn ngoèo của Tong Đen. Vũ hỏi: Sao Thomy không tìm cách cứu hắn?
- Tôi đã tìm mọi cách mà không được. Ông Tong Đen thì giấu không cho tiếp xúc, mà Larry thì thấy kết quả sưu tra có dấu nghi ngờ nên y không interest lắm; mỗi lần họp tôi nêu việc này ra đều bị hắn gạt đi. Victor ở Bangkok, quen nhiều xếp lớn, thử can thiệp cho Tống coi. Tôi coi như hết cách.
- Tôi sẽ cố gắng hết sức mình. À! Thomy có bản lý lịch thật chính xác của Tống không? Tôi rất cần; có nó mới nói chuyện với mọi người được.
- Không! Tên Tong Đen giấu kỹ không cho tiếp xúc nên đâu biết lý lịch chính xác của anh ta.
Vũ trầm ngâm suy nghĩ. Anh vẫn thường giúp đỡ các anh em cựu quân nhân ở các Trại Tị Nạn trên đất Thái khi có dịp đến các Trại, dù chẳng hề quen biết họ. Dù sao thì cũng còn chút tình đồng đội, còn chút máu lính trong người nên khi thấy các anh em trong cảnh cùng quẫn, Vũ chẳng thể làm ngơ. Huống gì anh chàng phi công này còn bị giam cầm trong nhà giam của một dân tộc khác, mà dân tộc này từ xưa vốn mang nặng một mối nợ lớn đối với dân tộc anh, đất nước anh. Sau năm 1975, món nợ này càng chồng chất thêm khi họ làm ngơ bao che, dung túng bọn hải tặc hoành hành trên vùng Vịnh Thái Lan; chỉ cần nhìn vào con số hơn 500 ngàn thuyền nhân đã vùi thây dưới biển sâu chỉ vì lũ hải tặc Thái man rợ cướp của, hiếp dâm và giết người phi tang và bọn chúng được chính quyền Thái làm ngơ mặc cho chúng cướp, giết... Con số này là do Cao Ủy Liên Hiệp Quốc thống kê ra được từ lời khai báo của những người còn sống sót vào năm 1982; còn bao nhiêu chiếc thuyền chết sạch thì lấy ai mà báo cáo số người tổn thất? Con số này đã đủ nói lên cái tội ác ghê gớm của xứ này đối với dân tộc anh. Giờ đây một quân nhân VNCH sau bao khổ ải, gian nguy trên đường vượt thoát thiên đường cộng sản lại bị giam cầm trong tay họ thì làm sao anh ngồi im cho được? Nhưng làm thế nào để cứu anh chàng này khi trong tay chẳng có một tí manh mối nào, dữ kiện nào để dùng làm bằng chứng chứng minh anh ta là quân nhân VNCH, trong lúc đó người Thái không chịu cho tiếp xúc? Vũ chợt mỉm cười vì anh vừa nghĩ ra một phương cách may ra có thể cứu được Tống. Anh hỏi Thomy:
-Hàng ngày anh có vào trong 506 làm việc hoặc lấy tù binh bên đó về đây làm việc không?
- Có chứ. Bên 506 chuyển sang cho mình một danh sách những cán binh VC đào ngũ hoặc bị bắt làm tù binh ngoài mặt trận mà họ đang giam giữ ở đó. Mình chở về đây làm việc một vài ngày.
- Như vậy thì được rồi. Kỳ này tôi xuống đây để thanh lọc đám cán binh VC mới bị bắt trong mấy tuần vừa qua.
Tôi sẽ ở đây vài ngày; hy vọng sẽ có cách cứu Tống. - Như vậy thì tốt quá. Mong anh thành công. Anh có thể nói cho tôi nghe anh làm cách nào không?
- Ồ! Cũng chẳng khó gì. Ngày mai tôi sẽ thanh lọc đám bộ đội phải không? Tôi sẽ nhắn bọn chúng về nói Tống viết cho tôi một bản lý lịch; sau đó tôi sẽ yêu cầu Larry sưu tra ở Trường Huấn Luyện Không Quân ở Hoa Kỳ nơi Tống tu nghiệp; chắc chắn những chi tiết ấy sẽ phải có. Khi đó tôi về Bangkok sẽ nói chuyện với văn phòng DAO và cấp chỉ huy của Tong Đen là ông Tướng Sud Sai Chỉ Huy Trưởng Đơn vị 309 Quân Báo để nhờ họ giúp một tay. Tôi có giao tình với họ và giúp họ nhiều chuyện, nay nhờ lại họ chắc cũng dễ...
Thomy vỗ tay, reo lên:
- Hay quá. Như vậy thì Tống có hy vọng được cứu rồi.

6.

Ngày hôm sau, khi phỏng vấn Bùi Văn Tranh, Hạ sĩ thuộc đơn vị súng cối 82 ly của Sư đoàn 5 Việt cộng trú đóng tại Sisophon; Vũ đã giao cho Tranh một lá thư nhỏ cầm về cho Tống. Lá thư được giấu kỹ trong gấu áo của Tranh. Vũ dặn đi dặn lại Tranh là phải tuyệt đối giữ kín không để người Thái biết và Tranh phải hứa sẽ giao tận tay cho Tống. Hàng ngày ở chung trong nhà giam Aranya Prathet, Tống thường dạy tiếng Anh cho các em bộ đội VC bị giam chung nên được các em quý mến. Vũ cũng gửi vào trong nhà giam cho các em vài cây thuốc lá Samit, vài gói kẹo bánh. Đặc biệt gửi cho Tống một cây thuốc và một bộ quần áo.
Nguyên văn lá thư viết cho Tống như sau:

"Tống, Tôi đang tìm cách cứu Tống ra khỏi nhà giam. Tống hãy viết cho tôi một bản lý lịch thật đầy đủ chi tiết nhé. Xong cứ giao cho Tranh chuyển lại cho tôi.
Victor. 20/9/82"

Đa số các em bộ đội bỏ ngũ bị giam ở đây đều thuộc thành phần con em Miền Nam có cha anh bị đi cải tạo. Sau khi cộng sản chiếm Miền Nam, các em bị bắt buộc đi nghĩa vụ quân sự của bọn chúng khi còn nằm trong lứa tuổi 18 - 25; nhưng khi sang đến vùng biên giới Thái
- Miên, các em đã tìm cách đào ngũ chạy sang xin tị nạn ở Thái với hy vọng các nước tự do sẽ mở rộng vòng tay nhân ái cho các em định cư ở một nước tự do nào đó. Số phận các em thật hẩm hiu vì các em đến Thái vào lúc tình thương con người đã kiệt cạn, mỏi mệt với gánh nặng tị nạn ngày một thêm đông; lòng nhân đạo của thế giới đã đã cạn khô nên không nước nào thèm dòm ngó đến các em. Trong khi Thái Lan lúc nào cũng lo sợ bị CSVN thôn tính nên họ trở thành nghi kỵ và chèn ép mọi người có gốc Việt Nam, bất kể họ thuộc thành phần nào.
Người Thái đẩy đồng bào tị nạn Việt Nam vào các trại giam với nhiều lớp hàng rào kiên cố và giam trong những nhà có song sắt như nhà tù... Số bộ đội VC thì bị giam ở Aranya Prathet thuộc tỉnh Prachin Buri; còn số thuyền nhân thì bị giam ở Trại Sikiew, thuộc tỉnh Nakhorn Raschasima. Các em bộ độ VC bị chính quyền giam trong Trại Aran một thời gian dài dưới sự quản thúc nghiêm ngặt của đơn vị 506; không biết ngày nào mới được chuyển sang các Trại Tị Nạn để được hưởng sự bảo trợ của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc; khi đó họ mới có tư cách để được các Phái đoàn Di Trú của các quốc gia trên Thế Giới phỏng vấn cho đi tái định cư ở một nước thứ 3. Nhiều em được chuyển từ Aran lên Trại Transit Center Phanat Nikhom thuộc tỉnh Chonburi; nhưng nằm chờ ở đó hết năm này sang năm khác mà cũng không được nước nào nhận cho đi định cư. Thỉnh thoảng mới có một vài em được Pháp hoặc Canada nhận đi theo diện nhân đạo; còn phần lớn phải nằm chờ ở Thái nhiều năm dài.
Qua sự tiếp xúc với một số em bộ đội đào ngũ ở tù chung với Tống ở Aran; cộng với sự nhận xét và ước đoán tinh tế của một Sĩ quan QLVNCH từng phục vụ lâu năm trong ngành Quân Báo, Vũ đã hiểu được một phần nào uẩn khúc và nguyên nhân chính đưa đến việc người Thái khép tội Tống làm gián điệp cho Cộng sản Việt Nam. Theo lời kể của các em thì vào ngày 25 tháng 1 năm 1982, có một người Việt tên là Lê Văn Tống vượt thoát bằng đường bộ qua ngã Kampuchia, đến Thailand. Anh đã vượt qua các "check point" (14) của nhiều lực lượng an ninh Thái để vào tận thị xã Aranya Prathet, trình diện với văn phòng Hồng Thập Tự Quốc Tế xin được hưởng qui chế tị nạn. Cơ quan này không có thẩm quyền trong việc tiếp nhận người tị nạn, nên Tống được giao qua đồn cảnh sát Thái và anh được đưa về đơn vị 506 để điều tra. Lúc đầu anh được Thượng sĩ Ạt thẩm vấn, nhưng anh không chấp nhận bị thẩm vấn bởi 1 Hạ sĩ quan Thái nên đòi gặp giới chức thẩm quyền cao hơn; vì vậy đích thân Đại tá Tong Đen xuống phụ trách thẩm vấn anh. Tong Đen là một người mập, lùn; có nước da đen; y đã từng phục vụ ở đơn vị Thái Lan trú đóng ở căn cứ Bear Cat Long Thành nên nói được tiếng Việt. Quen thói hống hách quát nạt các em bộ đội đào ngũ, Tong Đen đã đập bàn quát tháo khi tra hỏi Tống vì sao có thể vượt thoát qua các "check point" mà không bị phát giác? Ai đã dẫn đường cho Tống vượt biên giới Thái? Tại sao Tống có tờ 20 Bath (tiền Thái) trong túi, trong khi tiền này mới phát hành được một tuần? Ai đã cho Tống tiền? v.v... và v.v…
Tống bình tĩnh trả lời Tong Đen từng điểm một. Anh khẳng định không có ai dẫn đường cho mình mà tự ý tìm đường vượt qua biên giới bằng cách xuyên qua rừng và băng qua ruộng trong đêm tối để sang đất Thái. Còn tiền thì anh đã đổi ở Battambang (một tỉnh nằm ở Tây Bắc trong nội địa Kampuchia) cách đây một tháng... Đây chính là điểm mâu thuẫn mà Tong Đen nghi ngờ vì đồng tiền mới được phát hành bên Thái có 1 tuần. Khi thấy Tong Đen đập bàn, quát tháo Tống liền phản đối:
"Tôi là một chiến sĩ tự do, chống cộng sản. Ông cũng là một chiến sĩ tự do, chống cộng sản. Trước đây ông đã từng sang nước tôi chiến đấu chống cộng sản; ông với tôi là đồng minh với nhau, là chiến hữu với nhau. Tôi không phải là cộng sản, ông không thể coi tôi như tội phạm mà thẩm vấn, quát nạt. Tôi từ chối trả lời khi ông còn giữ thái độ đó". Rồi anh ngồi im mặc cho Tong Đen lồng lộn tức tối.
Tong Đen liền kêu lính giải anh xuống nhà giam có song sắt và tặng cho anh cặp kiềng đeo vào chân với một sợi giây xích dài hàn dính với một cục sắt tròn nặng như tảng đá. Trong bản cung từ phúc trình cho cấp trên, y đã báo cáo Tống thuộc thành phần "Tình nghi là gián điệp của cộng sản VN, rất ngoan cố; cần giam giữ để điều tra và không phổ biến rộng rãi sang bên Cao Ủy Tị Nạn LHQ". Sau đó Tong Đen đã cố tình hại chết Tống bằng cách gửi những chi tiết sai sang nhờ Tòa Đại sứ Mỹ sưu tra lý lịch. Y đã không gửi tên thật của anh là Lê Văn Tống với đầy đủ cấp bậc, số quân, đơn vị mà chỉ gửi bút hiệu Lý Tống khi viết báo và cấp bậc Đại Úy mà không có số quân để chắc chắn với những chi tiết sai ấy, kết quả sưu tra sẽ khiến Tống không còn đường thoát. Y sẽ căn cứ vào đó để trình lên thượng cấp xác quyết Tống là gián điệp cho cộng sản VN và cũng chính vì vậy nên những người Mỹ làm việc ở Aranya Prathet như Larry, như Merle, như Stain... không ai thiết tha việc giải cứu cho Tống.
Sáng sớm ngày hôm sau, Vũ đã có trong tay một bản lý lịch thật đầy đủ chi tiết do Bùi văn Tranh giấu mang sang khi được Trung úy Sẳng chở sang nhà Eagle của Thomy. Những chi tiết chính xác như sau:
- Họ và tên thật: LÊ VĂN TỐNG
- Bút hiệu: Lý Tống (viết bài cho các tờ báo của binh chủng Không Quân như Gió Cát, Phù Sa, Lý Tưởng...)
- Năm sinh: 1946
- Cấp bậc và chúc vụ: Trung úy Hoa tiêu Ạ37, Phi đội trưởng.
- Đơn vị: Phi đoàn 548/ Sư đoàn 2 Không quân trú đóng tại Căn cứ 20 Chiến thuật Không quân. Số quân: 66/600175
- 1/1965 - 12/1965: Air Cadet khóa 65A (cùng khóa với anh hùng Thiếu ta Trần thế Vinh)
- 1/1966 - 5/1966: Air Cadet/ Lackland English School ở San Antonio, Texas.
- 5/1966 - 7/1966: Bị trả về Việt Nam vì lý do vô kỷ luật (đánh một Sinh viên Sĩ quan khóa đàn anh tên Trọng). Bộ Tư Lệnh KQ Sàigòn. Giải ngũ
- 10/1966 - 2/1967: Thông dịch viên RMK-BRJ ở số 8 Phan Bội Châu, Qui Nhơn
- 4/1967 - 6/1968: Phụ tá Hành chánh + Programmer PA&E Tân Sơn Nhất
- 6/1968 - 12/1968: Sinh viên Sĩ quan Khóa 4/68 Thủ Đức.
- 1/1969 - 6/1969: Chuẩn úy. Xin gia nhập lại binh chủng Không quân và được học Khóa 1/69 Anh Ngữ tại Trường Anh Ngữ Không quân Đồng Khánh, Chợ Lớn.
- 6/1969 - 6/1970: Khóa 33/66 Trường Phi Hành Trung Tâm Huấn Luyện KQ Nha Trang.
- 6/1970 - 5/1973: Thiếu úy hoa tiêu L.19 và U.17 của Phi đoàn 122/ Sư đoàn 4 KQ Cần Thơ
- 5/1973 - 4/1975: Trung úy hoa tiêu A.37/Phi đoàn 548/ Sư đoàn 2 KQ/ Căn cứ 20 KQ Chiến thuật Phan Rang.
- 5/4/1975: Bị bắn rơi ở Phan Rang và được truy thăng "Cố Đại úy" hy sinh tại chiến trường.
- 4/1975 - 12/7/1980: Tù binh ở các trại:
* Lam Sơn, Tổng Trại 6 Nha Trang
* Trại cải tạo 52, 53 Tổng Trại 5 Tuy Hòa
- 12/7/1980: vượt ngục trốn về Sàigòn
- 23/9/1981: Vượt biên qua ngã Gò Dầu Hạ - 25/9/1981: bị bắt tại ga xe lửa Nam Vang và bị giam tại Trại tù 7708 thuộc A.50 (15) ở Nam Vang
- 7/10/1981: vượt ngục trại tù 7708, trốn đi Kampong Chnang.
- 10/1981 - 1/1982: Đánh cá tại Đài Côn (tức Chí Lức) Lô 13B Biển Hồ
- 20-1-1982: Rời Kampuchia bằng xe đạp, trốn sang Thái Lan.
- 25/1/1982: Trình diện Hồng Thập Tự Quốc Tế tại Thị xã Aranya Prathet và bị chuyển giao vào Trại giam Aran.
7.

Trên đường trở về Bangkok sau 3 ngày làm việc ở Aranya Prathet với một xấp hồ sơ dầy cộm trong cặp xách Samsonite; Vũ cảm thấy nhẹ nhõm cả người vì giải quyết mấy trăm hồ sơ trong vòng 3 ngày ngắn ngủi mà khi đi anh tưởng chừng phải làm cả 2, 3 tuần lễ mới xong; đó là nhờ có sự tiếp tay của Thomy. Hơn nữa khi được rời xa cái vùng Aran hoang vắng và chỉ có nắng như thiêu đốt anh cảm thấy dễ chịu hơn.
Nhưng cái vui nhất của anh là có được bản lý lịch đầy đủ và chính xác của Lê Văn Tống. Những chi tiết trong đó có thể giúp anh cứu được anh chàng hoa tiêu Không quân này ra khỏi lao tù tự do. Vũ ôm chặt chiếc cặp trong tay như sợ rằng bản lý lịch của Tống sẽ vụt bay theo cơn gió lộng lùa vào trong xe qua khung của kính mở hé. Anh cảm thấy sung sướng vì sắp làm được một công việc có ích, giúp cho một người chiến hữu dù chưa hề biết mặt nhau. Mặc! Đâu cần phải quen biết nhau mình mới giúp đỡ được nhau. Không biết cái chất lính trong con người của anh nó như thế nào mà mỗi khi gặp được một người cựu quân nhân, một người cựu tù nhân cải tạo dù không quen, anh vẫn có những cảm tình quyến luyến như có sự ràng buộc vô hình nào đó níu anh lại. Anh có thể ngồi nói chuyện với những người bạn mới này hàng hai ba giờ đồng hồ không dứt và anh vẫn tự động giúp đỡ trong khả năng của anh. Giúp mà không cần họ biết đến, giúp mà không cần được cảm ơn, Chỉ cần thấy các anh em vui là Vũ cảm thấy yên ổn trong lòng.
Anh muốn con đường dài kia ngắn lại để anh có thể phóng vào Tòa Đại sứ Mỹ ở Bangkok trước giờ các viên chức nghỉ việc để còn đánh ngay một công điện sang Hoa Thịnh Đốn nhờ sưu tra lý lịch của Tống theo cái bản anh đang có trong tay.
Anh hy vọng về đến nơi trước khi trời tối; nhưng càng mong mỏi, chiếc xe dường như càng chạy chậm hơn và con đường như càng dài thêm, xa hơn. Thời gian như cũng đồng lõa với không gian, đi nhanh hơn thường ngày làm Vũ thêm bồn chồn, mong đợi. Vũ không còn cái háo hức ngắm phong cảnh hai bên đường như thường lệ mỗi lần đi xa bằng đường bộ.
Anh ngồi im trong xe, miên man nghĩ về trường hợp Lê Văn Tống... Từ sau ngày Miền Nam bị bức tử một cách đau đớn; Quân, Dân, Cán, Chính của Việt Nam Cộng Hòa đã phải chịu trăm ngàn cay đắng, khổ ải, truân chuyên; riêng người quân nhân tên Lê Văn Tống thì lại trở thành"Cố Đại Úy" dù vẫn còn sống sờ sờ, bị giam cầm đầy ải ở nhiều nhà giam khác nhau và bây giờ lại bị kết án là gián điệp của kẻ thù ngay trên phần đất tự do... Còn nghiệt ngã nào hơn?
Con đường có dài hơn, xa hơn; cuối cùng thì Vũ vẫn về đến Bangkok. Buổi tối nên thành phố rực rỡ trong ánh đèn muôn màu trông thật đẹp. Giờ này nhân viên các phòng sở đã nghỉ việc và David Campbell, xếp trực tiếp của Vũ chắc cũng đã về nhà. Thôi đành đợi đến sáng mai mới vào Tòa Đại sứ để gửi bản sưu tra vậy.
Cách hay nhất bây giờ là về nhà tắm nước nóng cho trôi đi bụi đất biên giới, tỉnh táo sau một chặng đường dài mỏi mệt và nghỉ ngơi cho khỏe khoắn...
Khoảng 8 giờ tối, Vũ gọi điện thoại cho Đại tá Prachet (tiếng Thái đọc là Pra Chệt), Tham Mưu Trưởng của Đơn vị 309 Quân Báo trò chuyện để tìm cách hỏi ông về trường hợp Lê Văn Tống. Từ ngày làm việc ở Bangkok, Vũ vẫn giữ mối giao hảo thân tình với Đại tá Prachet. Anh quen ông do sự giới thiệu của David Campbell. Trong công việc, Đại tá Prachet rất mến phục khả năng chuyên môn và những ước đoán tình hình một cách chính xác của Vũ. Nhất là sau vụ điều tra chiếc phi cơ Antonow 26 của cộng sản VN bị crash landing xuống quận Sakaeo hồi tháng 2/1982; Vũ đã phát giác ra cả một kế hoạch lớn của cộng sản VN trên đất Thái trong khi các cơ quan An ninh của Thái đã bó tay. Đại tá Prachet càng nể nang Vũ hơn và chơi thân với anh hơn; khi gặp những chuyện liên quan đến CSVN mà ông bí lối, ông thường vấn kế của Vũ. Ông tỏ vẻ mừng rỡ khi nghe Vũ gọi lại. Vũ cũng trình bày sơ lược câu chuyện "làm gián điệp" của Tống và sự hiểu lầm của Tong Đen cho ông nghe. Vũ hỏi ông: "... liệu khi anh gom đủ tài liệu chứng minh Lê Văn Tống là một cựu Sĩ quan KQ VNCH thì ông có thể can thiệp để thả Tống được không?" Ông đã sốt sắng hứa sẽ giúp hết mình trong khả năng của ông. Vũ cảm ơn và hứa sẽ có đầy đủ bằng chứng đưa cho ông. Anh gác máy điện thoại mà nghe lòng nhẹ nhõm vì ít nhất cũng đã kiếm được người ở phía Thái Lan tiếp tay.
Sau khi gửi tờ lý lịch của Tống về Hoa Thịnh Đốn để sưu tra; trong khi chờ đợi kết quả sưu tra, Vũ lại đi xuống các Trại Tị nạn Sikiew thuộc Tỉnh Nakhorn Ratchasima và Trại Phanat Nikhom thuộc tỉnh Chonburi để tiếp xúc với các anh em cựu quân nhân ở các Trại ngõ hầu thu thập thêm tài liệu về Tống. Trại Sikiew đúng ra là một nhà giam trực thuộc Bộ Nội Vụ để giam giữ những người Việt kiều hoạt động cho cộng sản trên đất Thái, nên nhà có song sắt và ngăn thành từng xà lim nhỏ, mỗi phòng đều có song sắt và cửa riêng. Việt kiều sinh sống trên đất Thái từ năm 1945, đa số đều theo phía Cộng sản VN, họ tôn sùng Hồ Chí Minh và trong làng, trong nhà đều có hình hoặc tượng HCM; chính vì vậy người Thái rất ghét người Việt và họ chèn ép đủ mọi cách, trẻ em bị cấm không được học hành lên cao hơn bậc tiểu học, và bị cấm nhiều nghề không được làm. Sau ngày 15-8-1981, khi chính phủ Thái ban hành chính sách "Ngăn Đe Nhân Đạo" nên tất cả các thuyền nhân cặp vào bờ biển Thái Lan đều bị tập trung vào nhà giam Sikiew và họ ngăn cấm không cho các Phái Đoàn Di Trú của các quốc gia đệ tam vào lập hồ sơ phỏng vấn. Còn Trại Panat Nikhom là một Transit Center, nơi tập trung dân tị nạn Việt, Miên, Lào, Hmong đã được thanh lọc nằm chờ lập thủ tục đi định cư ở các nước thứ ba.
Vũ đã gặp gỡ nhiều anh em cựu quân nhân để xác nhận lý lịch của Tống như: Võ Thành Sô, Nguyễn Bảy, Hoàng Văn Mai, Vũ Đình Ngọc v.v... (16) Ngoài ra anh còn gặp được nhiều người khác hoặc là bạn học thời còn học sinh, hoặc là bạn cùng khóa Không Quân, hoặc là bạn cùng tù... Họ đã cung cấp cho Vũ nhiều tài liệu và chi tiết xác đáng về Tống để phối kiểm với bản lý lịch của Tống. Anh đã đúc kết thành một bản phúc trình đầy đủ để chứng minh Lê Văn Tống hay Lý Tống thì chỉ là một người sĩ quan Không quân VNCH. Khi trở về Bangkok, Vũ nhận được bản kết quả sưu tra từ Hoa Thịnh Đốn cho thấy lý lịch của Tống đúng 100%; đồng thời anh cũng được lệnh ra biên giới Aranya Prathet tạm thay Thomy đã rời Thái Lan đi định cư Hoa Kỳ. David hứa là anh chỉ phải ở đó ngắn hạn trong khi chờ kiếm người. Lâu hay mau tùy thuộc anh kiếm được người làm sớm hay trễ... Vũ nghỉ ngơi mấy ngày để thu xếp đồ đạc và trả lại ngôi biệt thự trên đường Sutvichai thuộc Quận 9 Bangkok chuẩn bị di chuyển ra Aranya Prathet. Hồ sơ Lý Tống đã được anh hoàn tất với đầy đủ chứng từ của các nhân chứng. Anh gửi 1 bản sao cho văn phòng Di trú Bangkok, cơ quan JVA, Bộ Tư Lệnh Quân Đội Thái, Đơn vị 309 Quân Báo... Ngoài ra anh còn sao riêng 1 bản cho Đại tá Prachet nhân dịp mời ông đi ăn tối ở trong một nhà hàng Tây sang trọng dành cho ngoại kiều trên đường Sukhumvit.
Sau khi xem xong hồ sơ, Prachet nói với Vũ:
- Đây là một hồ sơ rất đầy đủ để chứng minh về Lê Văn Tống; nhưng Mr.Victor à! Ông có nghĩ đến trường hợp VC cho một người của họ giả dạng Lê Văn Tống, học thuộc lòng tất cả những chi tiết của lý lịch cá nhân Lê V.Tống không? Có thể lắm chứ phải không?
-Tôi hoàn toàn đồng ý với Đại tá. Vũ đáp. Đây mới chỉ là bước đầu, tôi chỉ đi tìm tài liệu và chứng nhân để xác nhận có một Trung úy Lê Văn Tống, hoa tiêu A.37 của Không Lực VNCH. Bước thứ hai, tôi phải nhờ sự giúp đỡ của Đại tá. Xin ông ra lệnh cho Đại tá Tong Đen cho chúng tôi một tấm hình của Tống. Tôi sẽ đưa cho các nhân chứng để xác minh một cách chắc chắn.
- OK. Tôi sẽ điện cho Tong Đen ngày mai. Ông sẽ có tấm hình của Tống trong vài ngày sắp đến.
Sau đó hai người nói chuyện vãn với nhau về đủ thứ chuyện từ tình hình chính trị thế giới cho đến những hoạt động quân sự của VC tại vùng biên giới Thái - Miên trong thời gian vừa qua và ông nhờ Vũ ước đoán tình hình trong những ngày sắp tới... Với những kinh nghiệm máu và sự hiểu biết về VC, Vũ đã phân tích cho Đại tá Prachet về cái thế của Thái Lan trong công cuộc đấu tranh ngăn chặn mộng bành trướng của CSVN...
Lúc chia tay, Đại tá Prachet nắm thật chặt tay Vũ nói:
- Tôi nghĩ rằng ông là một người quá tốt với bạn bè. Người nào được làm bạn với ông quả là có diễm phúc vì sẽ được ông giúp đỡ hết mình khi cần đến.
Vũ cười: - Xin cảm ơn Đại tá. Thực ra tôi chỉ làm những gì lương tâm tôi thấy là phải, là đúng. Tôi chưa hề quen anh Tống, cũng không hề biết mặt anh ta và anh ta cũng chưa hề biết mặt tôi. Tôi chỉ thấy sự oan ức của anh nên tìm mọi cách giúp đỡ vậy thôi.
- Hy vọng rằng sau này ông cũng coi tôi như một người bạn nhé. Cảm ơn ông về bữa ăn tối nay. Chúc ông ngủ ngon và thành công.
- Vâng! Xin chào Đại tá. Chúc Đại tá một đêm an lành. Cho tôi gửi lời thăm bà và các cháu nhé.
Chia tay với Prachet xong, Vũ không vội trở về nhà mà thả bộ đi dọc con đường Sukhumvit. Đây là một con đường chính nằm giữa trung tâm thành phố và là khu dành cho người ngoại quốc nên được xây cất khang trang với các cửa tiệm lớn, các quán bar, tiệm rượu, tiệm cà phê và những nhà hàng sang trọng của đủ mọi quốc gia trên thế giới. Gió vi vu thổi trên cao làm tóc Vũ bay tung. Ánh đèn đường nhòe nhoẹt hắt chiếc bóng Vũ ngả dài trên hè phố. Người qua kẻ lại vẫn tấp nập, xe gắn máy chen chúc trên đường với tiếng nổ dòn tan của đủ loại máy hòa lẫn với mùi xăng khét lẹt, tạo thành một không khí thành thị náo nhiệt. Tự dưng anh cảm thấy cô độc và lạc lõng vô cùng. Anh quay trở lại bãi đậu xe.
Người tài xế của Tòa Đại sứ vẫn ngồi trong xe đọc "nắng sử" (17), thấy anh bước lại vội vàng nhẩy xuống mở cửa xe cho Vũ. Ngồi vào xe, anh ra lệnh:
- Cặp ban! (Về nhà!)
- Khấp phổm! (Dạ! Thưa ngài)

8.

Trung tuần tháng 10/1982, Vũ chính thức rời Bangkok lên đường đi Aranya Prathet; y hệt như ngày xưa khi còn trong quân ngũ "đáo nhậm đơn vị mới..." vậy. Thomy đã đi Mỹ được hơn 3 tuần lễ, căn nhà Eagle bỏ trống từ ngày đó nên cỏ dại mọc chi chít.
Vũ cho sửa sang lại ngôi biệt thự chỗ Thomy; ngay văn phòng làm việc anh cho vẽ một con chim ó trắng xòe cánh dũng mãnh và hàng chữ "White Eagle" bay bướm phía dưới; ngoài vườn anh cho trồng thêm nhiều hoa và sửa sang lại những gốc xoài. Anh lấy đám bộ đội trong nhà giam Aran ra cho đào một cái hồ có cất nhà thủy tạ phía sau vườn để chiều chiều ngồi uống rượu ngâm thơ, ngắm trăng... Mùa xoài năm ấy cây nào cây nấy nặng trĩu trái, oằn cành. Vũ cho hái được mấy cần xế đem chở ra trại NW.82 cho đồng bào tị nạn. Vũ cũng gửi cho Tống một lá thư ngắn cho biết công việc cứu Tống tiến triển khả quan và hy vọng một thời gian ngắn nữa thì Tống sẽ được thả. Tống đã gửi cho Vũ một lá thư ngắn ngỏ lời cảm ơn; có lẽ Tống nghĩ Victor và Anh Ba là hai người khác nhau nên đã viết "cảm ơn anh và anh Ba..." Nguyên văn lá thư như sau:

"Kính Anh,
Kính mong anh nhận lời tri ân chân thành nhất về những tình cảm quí báu và những giúp đỡ tận tụy mà anh và anh Ba đã dành riêng cho em trong những ngày tháng tại Aran Jail.
Lý Tống"
(Xem bản chụp thủ bút và chữ ký của Lý Tống ở Phụ bản 2 và 3 trang 89 và 90)

Một buổi chiều sau khi Vũ đến Aranya được một tuần, Trung úy Sẳng đã chở Đại tá Tong Đen đến Eagle’s House gặp Vũ.
Ông là một người mập, lùn nên các em trong nhà giam Aran thường kêu lén ông là Đại tá Mập. Ông có nước da đen đúa, hàm răng hô và cặp mắt lộ, cứ liếc ngang liếc dọc liên hồi. Vũ nghĩ thầm: "Đây là biểu hiện của loại người gian xảo, nham hiểm nên cần phải thận trọng trong khi tiếp xúc..."
Tong Đen vừa bắt tay Vũ vừa nói:
- Chào ông! Tôi có nghe nói nhiều về ông; đến hôm nay mới gặp mặt. Đại tá Prachet có điện cho tôi, nói ông là một người tốt, có nhiều khả năng mà Prachet phục lắm. Cái đất Aran khô cằn này thật là may mắn được ông tăng cường đến tiếp tay, hy vọng sẽ khá hơn.
Tong Đen nói tiếng Việt rất giỏi, không hề vấp váp, ngọng nghịu như những người ngoại quốc khác nói; có lẽ vì ông tiếp xúc hàng ngày với người Việt, vì thế cấp trên đã giao cho ông phụ trách đơn vị 506 Tình Báo Biên Giới này nhiều năm qua.
Vũ cười, đáp:
- Cảm ơn Đại tá. Đại tá Prachet quá khen đó thôi. Thực ra tôi còn phải học hỏi nhiều ở Đại tá. Vũ khiêm nhượng.
- Đây là tấm hình của Tống. Đại tá Prachet bảo tôi đưa cho ông. Vừa nói, Tong Đen vừa móc trong túi ra tấm hình bán thân của một thanh niên chụp bằng máy Polaroid. Tôi có đọc bản phúc trình của ông về Tống. Ông thật mất nhiều công quá. Hy vọng ông không uổng công.
- Cảm ơn Đại tá. Tôi chỉ làm theo lương tâm chức nghiệp và tình đồng hương mà thôi; Đại tá ở vào trường hợp của tôi cũng sẽ làm như vậy thôi. Vâng! Tôi sẽ cho các nhân chứng nhận diện và sẽ thông báo cho Đại tá biết.
Đầu tháng 11/1982, Vũ lại lên đường đi đến các Trại Sikiew, Phanat Nikhom để nhờ các nhân chứng trước đây đã xác nhận lý lịch Lê Văn Tống nhận diện tấm hình để xác định chắc chắn đó là người họ quen biết. Tất cả các nhân chứng sau khi xem hình đều xác nhận đúng là Lê Văn Tống mà họ đã quen biết trước kia. Vũ nhờ các nhân chứng viết thành những tờ xác nhận để đúc kết thành một phúc trình chung thẩm gửi cho các giới chức có thẩm quyền của Tòa Đại sứ Mỹ và chính quyền Thái.
Sau khi trở lại Aran, Vũ cùng Larry đi sang Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 2 Bộ Binh Thái gặp Thiếu tướng Tư lệnh Sư đoàn kiêm Tư Lệnh Yếu Khu Biên Giới để trình bày nội vụ và yêu cầu ông phóng thích Lê Văn Tống. Thiếu tướng Tư Lệnh là một người cởi mở, ông vui vẻ tiếp đón Vũ và Larry với một thái độ chững chạc, rộng lượng. Ông cũng cho biết đã nhận được những báo cáo liên quan đến việc này từ Đại tá Prachet của Đơn vị 309 Quân Báo, và rất mừng khi thấy Tống đã được chứng minh là sĩ quan QLVNCH thật. Ông ký giấy phóng thích Tống ngay trước mặt Vũ và Larry. Nhân dịp này Vũ thỉnh cầu Thiếu tướng ban lệnh cho chuyển Lê Văn Tống về Trại Phanat Nikhom để làm thủ tục định cư. Ông đã chấp thuận lời thỉnh cầu này.
Ngay khi rời khỏi Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 2 BB, Vũ và Larry đi thẳng sang đơn vi 506 Tình báo để lãnh Tống về Eagle ‘s House để làm một số giấy tờ thuộc Tòa Đại sứ; nhưng Đại tá Tong Đen nói bên ông còn phải hoàn tất một vài thủ tục hành chánh và sẽ cho Trung úy Sẳng chở Tống sang Eagle’s House vào chiều ngày hôm sau.

9.

Vũ và Tống ngồi uống rượu trên balcon, nhìn xuống vườn. Bóng tối đan dầy chung quanh và ánh đèn điện vàng vọt hắt ra từ những bóng điện chung quanh nhà không đủ xua tan cái bóng đêm dày đặc ấy. Gió se se lạnh vì trời đã lập đông. Gió lạnh từ núi rừng biên giới lùa về từng cơn giá buốt... Tống súng sính trong bộ quần áo mới do Vũ mua hồi chiều ngoài chợ. Điếu thuốc lá cháy đỏ trên môi. Từng sợi khói mong manh bay lên không gian, rồi tan loãng vào thinh không. Mặt Tống hừng đỏ vì men rượu.
- Đã quá anh Ba. Tống nói. Lâu lắm rồi em mới được ngửi mùi thơm của Cognac.
Rồi hứng chí Tống ngâm mấy câu thơ trong bài Hồ Trường. Vũ khe khe huýt gió theo điệu sáo Tao Đàn. Hai người cùng cười ha hả sảng khoái. Tống là người Huế nhưng giọng nói đã pha lẫn miền Nam. Nhìn lên tấm hình con ó và hàng chữ White Eagle trên vách, Tống nói:
-Kỳ thiệt anh Ba. Danh hiệu truyền tin của em là Eagle mà căn nhà anh ở cũng mang tên Eagle; rồi danh hiệu truyền tin của anh cũng là Eagle. Bây giờ em lại được anh cứu ra khỏi nhà tù của xứ tự do. Vậy là từ nay em có thể cất cánh bay cao được rồi anh Ba.
Tống cầm ly rượu lên nói:
- Em không biết lấy gì để cảm ơn tấm lòng tốt của anh. Xin mời anh ly rượu này để tỏ lòng tri ân anh đã cứu giúp em. Em cứ tưởng anh và Victor là hai người khác nhau, chứ đâu biết hai tên chỉ là một người.
Vũ cười cười, cầm ly rượu khẽ cụng vào ly của Tống rồi ngửa cổ uống cạn. Anh bảo Tống:
- Đừng nói chuyện ơn nghĩa làm gì Tống à. Mình là dân giang hồ mà Tống! Xá gì ba cái chuyện lẻ tẻ đó. Anh thấy chuyện phải làm là làm thôi, dù Tống hoặc anh em nào khác anh cũng cứu, chứ đâu cần phải nhắc đến ơn nghĩa...
Men rượu thấm sâu vào cơ thể khiến người Vũ ấm lên. Từng mạch máu như căng phồng, chạy rần rần khắp châu thân.
Anh đứng lên ngâm một bài thơ của Nguyễn Ngọc Thuận viết ở Trại Tị Nạn Sikiew gửi ra Bangkok tặng anh:

"MƠ THẤY VIỆT NAM"
- Tặng N.Q.V
Giấc mơ ta lại thấy Việt Nam
Thấy núi rừng xương trắng rợn rùng
Máu như mưa đổ tràn sông biển
Bạn bè xưa hò réo nhạc âm cung
Ngày không mặt trời, đêm giông bão cuốn
Thành phố đen sâu hút vực trầm luân
Em tả tơi tóc sũng gió mưa buồn
Ngồi hát thảm khúc ca đời lạnh buốt
Lối cũ em đi cây sầu thắp ngọn
Bóng âm ti từng cọng cỏ may khô
Chân em bước đất vươn chồi nụ oán
Mõ đầu lâu ai gõ gọi hồn xưa
Dẫy nến nhạt soi mặt người quỷ ám
Đêm lung linh gió rú áo cơm thôi
Vang tiếng khóc đá rung lời nguyện xám
Bóng cờ sao vùng vẫy giữa thây tươi
Ta thấy xích xiềng gông khua ngục thất
Đoàn tù đi hình sống những thây ma
Trong đói khát nhú xanh mầm nụ chết
Tiếng người xưa chìm khuất chút âm xa
Biển réo ta sóng dậy đất điêu tàn
Muôn mảnh vỡ núi tan thời hủy rã
Và lửa cháy đã thiêu trời sắc đỏ
Đã thiêu người tận thế Việt Nam.
Nguyễn Ngọc Thuận
(Sikiew, 5/8/1982) (18)

Tống vỗ tay, reo lên:
- Hay quá! Hay quá! Bài thơ hay quá anh ạ. Anh cho em xin một bản để lúc buồn thì nghêu ngao được không?
Được thôi. Ngày mai anh sẽ copy cho Tống một bản. Bây giờ để mừng ngày hội ngộ của anh em mình, chúng ta cùng cạn ly.
Tống và Vũ ngồi uống cho đến khuya. Cơn say làm anh chuếnh choáng. Trên bàn lỏng chỏng những chai Cognac cạn queo nằm nghiêng ngả, lăn lóc. Bùi Minh Ngọc, người phụ tá cho Vũ mới đem từ Trại NW 82 ra đã đi ngủ từ lâu. Tống khật khưỡng bước xuống thang lầu, miệng vẫn hát: "...Ôi! Phi công danh tiếng muôn đời..." Vũ nói theo:
- Ê! Đi cẩn thận nghe Tống. Coi chừng té đó. Biết phòng ngủ của Tống chưa?
- Đừng lo mà anh Ba. Em không té nổi đâu anh Ba. Em nhớ chỗ ngủ rồi. Anh Ba đi ngủ đi.
Gió xào xạc lay động những chiếc lá xoài. Một vài con dơi bay vùn vụt dưới ánh điện vàng vọt, khua động cành lá. Gió lạnh khiến Vũ co ro. Anh khặc khừ đi vào phòng mình, ngã vật xuống giường và thiếp đi trong cơn say khướt.

10.

Larry và Merle chăm chú đọc hồ sơ của Tống. Thỉnh thoảng lại lấy viết đỏ gạch những đoạn cần chú ý. Vũ ngồi uống rượu, hút thuốc lơ đãng ngó trên những tấm bản đồ chi chít những ký hiệu quân sự; làm như không quan tâm lắm về vấn đề này... Trong toán công tác của Tòa Đại sứ Mỹ ở vùng Aran có 3 người thì Larry là xếp tổng quát và chuyên về Lào vì ông đã phục vụ trên xứ Vạn Tượng từ nhiều năm trước 1975; Merle phụ trách về Việt Nam (Merle trước đây phục vụ tại Việt Nam, nói tiếng Việt như người Việt) và Stain (người gốc Hawaii) phụ trách về Kampuchia. Hiện Stain đang đi phép thường niên nên không có mặt tại đây. Vũ không phải là nhân viên của văn phòng này mà là người trực thuộc thẳng Bangkok, xuống tăng cường cho vùng này một thời gian ngắn nên tạm thời Larry đã phối trí lại nhân sự như sau: Larry vẫn phụ trách Lào, Merle phụ trách Kampuchia và Vũ phụ trách về Việt Nam. Quay sang Vũ, Merle hỏi:
- Victor. Ông nghĩ thế nào về Tống?
- Theo ý kiến của tôi thì anh ta là một người quả cảm, gan dạ và tự tin. Anh ta có đầy đủ khả năng Anh ngữ và khôn khéo; vì vậy tôi đã đề nghị giữ anh ta lại cho một JOB làm ở đây thế cho Thomy tại Eagle’s House. Vũ nói.
- Tôi thì cho rằng trong câu chuyện vượt thoát của anh ta dường như có điều gì đó không ổn. Tôi vẫn nghi ngờ có một cái gì đó bí ẩn hoang đường trong chuyện này. Làm sao anh ta có thể vượt thoát Biên giới với bao nhiêu là check points và tiền đồn của Quân Đội Thái? Hơn nữa các Ông nghĩ coi, câu chuyện anh ta trốn đi có vẻ thêu dệt lên nhiều, làm sao anh ta có thể bò đến chân tên lính gác VC mà nó không biết? Anh ta nói khi thấy tên lính gác đứng ngay phía trên, anh phải nằm lại không dè nằm trên ổ kiến lửa và hàng trăm ngàn con kiến bò lên cắn đốt anh ta; anh vẫn cắn răng nằm im; vậy tại sao mấy con kiến không cắn thằng lính gác mà chỉ cắn anh ta thôi? Larry nói xong, hắn và Merle cười hô hố.
Đây là nguyên văn lời khai của Tống, tự tay Tống viết bằng tiếng Anh, Vũ không phải dịch như những hồ sơ bộ đội đào ngũ hoặc dân tị nạn. Merle lại nói: - Tôi thì cho rằng ta không nên vội vã recommend với INS (19) về case này.
-Nếu các anh chưa chịu tin thì tôi có cách cho các anh phải tin. Vũ nói.
-Cách nào? Cả hai người cùng hỏi
-Người Mỹ các anh tuyệt đối tin vào cái gì? Phải chăng là máy Polygraph Test hoặc Lie-detector? (20) Yêu cầu các anh cho Tống lên máy đó thì sẽ rõ trắng đen đúng không? Nếu anh ta qua được cái máy, các anh phải giúp anh ta. OK?
- OK. Cứ quyết định như vậy. Ngày mai tôi sẽ nói chuyện với Bangkok, xin gửi tay chuyên viên Polygraph Test xuống. Larry nói:
- Để tránh thiên vị, ngày mai tôi sẽ trực tiếp nói chuyện với Tống và chuẩn bị cho anh ta test. Merle nói.
Vũ cũng biết cái nguyên tắc làm việc của người Mỹ, khi 1 người bị đưa lên máy nói sự thật thì người xếp hoặc nhân viên thụ lý nội vụ không được quyền dính vào, mà sẽ có một người khác làm việc...
Rời Main Compound ra về mà lòng Vũ buồn rười rượi. Anh nghĩ người Mỹ không thể nào hiểu được những con người Việt Nam như Tống, như anh. Khi họ đã không chấp nhận cộng sản thì dù chết họ cũng phải lánh xa cộng sản, thì muôn đời vạn kiếp cộng sản không mua chuộc được họ. Tất nhiên người Mỹ lại càng không thể hiểu được những gian nguy của các quân nhân VNCH trong cuộc đấu tranh chống cộng. Họ chấp nhận tất cả những hiểm nguy và liều lĩnh để làm những chuyện phi thường mà lúc bình thường tưởng chừng không ai làm nổi, hoặc dám làm; và người Mỹ nếu có nghĩ đến thì chỉ là trong trí tưởng tượng phong phú của phim ảnh Hollywood mà thôi.
Con đường tối đen như mực. Người tài xế mở đèn pha sáng rực. Gió từ cánh đồng lúa lùa vào khe cửa làm tóc anh rối tung. Vũ khẽ thở dài. Tống bước ra cổng phụ mang các loại thực phẩm, nước ngọt, sữa tươi, cà phê, thuốc lá và bánh mì mà Vũ lãnh ở Main Compound về cho anh em ở trong Eagle’s House ăn.
Vũ hỏi: - Tống ăn cơm chưa?
- Chưa. Em chờ anh về ăn chung cho vui.
- Chờ anh làm gì Tống. Nhiều khi anh ở lại họp về trễ lắm, không ăn đói thì sao? Nếu cứ sau 7 giờ tối mà chưa thấy anh về, cứ tự nhiên ăn cơm trước đi. Đừng đợi anh. Còn mấy anh em khác ăn chưa?
- Ăn hết cả rồi. Chỉ còn mình em thôi.
- Vậy Tống dọn cơm mình ăn đi. Vừa ăn, anh có chuyện cần bàn với Tống.
Vũ kể cho Tống nghe về câu chuyện giữa anh với Larry và Merle tối nay. Anh cũng cho Tống biết vì hai người Mỹ đồng nghiệp không tin câu chuyện của Tống; mà không tin thì phiền lắm vì hồ sơ chuyển cho Sở Di Trú không minh bạch , khó mà được họ nhận định cư ở Hoa kỳ. Vì vậy anh phải dùng đến hạ sách là yêu cầu họ sử dụng máy Polygraph Test. Đây là một máy trắc nghiệm nhịp đập của tim như máy Tâm Động Đồ của Y khoa, để phát giác ra người ấy có nói dối hay không? Vì khi nói dối, nhịp tim sẽ nhảy loạn xạ và biểu đồ sẽ cho thấy những nét lên xuống rối loạn. Nguyên tắc để vượt qua cái máy này là giữ thật bình tĩnh, hơi thở điều hòa kể cả khi trả lời sai. Vũ chỉ cho Tống cánh qua mặt cái máy là trái với nguyên tắc; nhưng vì hoàn cảnh của Tống đáng thương hơn, anh đã vượt qua cái nguyên tắc ấy. Vũ nói:
- Qua những chi tiết anh kể cho Tống về cái máy, chỉ cần Tống bình tĩnh đừng hốt hoảng thì sẽ vượt qua được. Nhớ là bình tĩnh, trả lời một cách dứt khoát, chắc chắn, không do dự... Anh tin là Tống sẽ pass.
- Anh yên chí đi. Em mà anh. Hơn nữa anh đã cho biết trước cách qua mặt cái máy thì sợ gì không qua được?

11.
Merle và lão chuyên viên về Poligraph Test mở cửa bước ra. Merle giơ hai ngón tay như chữ V cho biết buổi Test đã thành công. Vũ mừng rỡ cười, anh cũng giơ ngón tay cái lên tỏ vẻ tán đồng với Merle. Y nói với anh:
-Chiều nay ông vào main compound sớm, mình có chuyện cần họp nhé.
-OK!Hai người leo lên xe đi khỏi. Vũ bước vào phòng thấy Tống đang phì phèo điếu thuốc trên môi. Tống hỏi:
-Kết quả ra sao anh?
- Yên chí. Qua được rồi.
-Vậy hả anh. Ồ! Em mừng quá.
-Anh có đề nghị tụi mũi lõ cho em làm việc lại Eagle’s House, nhưng chưa biết sao. Còn tùy thuộc vào buổi test này.
- Ồ! Cảm ơn anh. Nếu em được ở lại đây thì tốt quá.
- Anh cũng chỉ mong vậy. Nếu được làm lại một thời gian, sẽ giúp Tống có một số tiền đi Mỹ trong bước đầu bỡ ngỡ; và anh có người thay thế sẽ trở về lại Bangkok.
-Vậy tối nay mình phải làm một chầu nhậu để ăn mừng chứ anh?
- Tưởng cái gì khó khăn chứ nhậu là chuyện nhỏ. Để chiều nay anh xách trong compound về mấy chai Cognac nhậu chơi. Tống thích loại nào? Martell, Hennessy hay Courvoisier?
- Thứ nào cũng được mà anh. Tống cười. Có là quý rồi, em đâu dám chê.
Vũ không thể nào ngờ được bữa tiệc rượu tối đó là lần chia tay giữa Tống với anh. Và anh cũng không thể nào ngờ được định mệnh nghiệt ngã lúc nào cũng theo đuổi để dìm Tống xuống đáy vực sâu, nhưng cái bản năng của Tống lúc nào cũng trỗi dậy để sống còn, để thoát ra ngoài hệ lụy của cuộc đời. Bản tính của Tống lúc nào cũng kiêu ngạo, nghĩ rằng mình hơn hẳn mọi người, dám làm những việc người khác không dám làm nên lúc nào cũng vùng dậy, cũng muốn vượt thoát ra ngoài những ràng buộc của khuôn thước... Tống cũng không thể nào biết được rằng những cố gắng vượt mức của Vũ để cứu Tống và cố tâm giữ Tống ở lại Aranya Prathet làm việc cho Toán Công Tác của Tòa Đại sứ Mỹ đã đi ra ngoài giới hạn của một viên chức như anh. Cái cố gắng vượt mức đó đã đưa đến những mâu thuẫn tranh cãi giữa anh và hai đồng nghiệp người Mỹ, từ đó đưa đến rạn vỡ trong giao thiệp hàng ngày. Vì tánh Vũ cũng thẳng thắn và quyết giúp bạn hữu bất chấp mọi trở ngại từ đâu đến...
Buổi chiều, Vũ trở vào main compound lúc 3 giờ chiều thay vì 5 giờ chiều như thường lệ. Anh ngồi họp với Larry và Merle trong phòng thuyết trình. Merle cho biết kết quả Polygraph Test rất tốt, y đã đánh một công điện về Washington DC và Bangkok; đồng thời cũng gửi một bản sao sang Phòng Di Trú của Tòa Đại sứ để khi Tống gặp họ để phỏng vấn đi định cư sẽ không gặp trở ngại. Tuy nhiên ý kiến của Vũ đề nghị giữ Tống lại Eagle’s House để làm việc đã bị sự chống đối mạnh mẽ của Larry và Tong Đen; còn Merle thì không có ý kiến về việc này. Quan điểm của Larry và Tong Đen là: "Tống đã bị giam ở Aran lâu ngày, đã có những lúc chịu những hình phạt nặng nề, bị đánh đập v.v..., nếu giữ Tống ở lại làm công việc phỏng vấn các đối tượng bộ đội VC bị giam giữ ở Aran thì sẽ rất khó làm việc và sẽ bị bọn chúng coi thường... Tong Đen hứa sẽ chuyển Tống lên Phanat Nikhom để làm thủ tục định cư"
Vũ bực dọc tranh cãi với Larry và anh cũng quạt luôn cả Merle vì tên này không có ý kiến gì. Thật ra vì bực dọc mà anh gây gỗ với hai đồng nghiệp vậy thôi chứ Larry là xếp ở văn phòng này, y có toàn quyền nhận cho làm hay không. Biết là không thể nào lay chuyển nổi định kiến của một con người bảo thủ như Larry, với cương vị là Boss, y phải cứng rắn là lẽ đương nhiên. Vũ dù sao cũng chỉ là một nhân viên tăng cường nên tiếng nói không có nhiều hiệu quả. Vũ chán nản đứng dậy bỏ về Eagle’s House, không quên xách theo mấy chai Courvoisier, soda và đồ hộp làm mồi nhậu. Anh nghĩ mình cũng sớm rời khỏi vùng khỉ ho cò gáy này để trở về Bangkok còn vui hơn cái miền đồng quê nắng cháy, bụi đỏ mù trời này.
Mấy bữa nay Vũ đã mang khá nhiều anh em ra interview cho cái Job làm ở Eagle’s House nhưng chưa có ai được nhận. Có lẽ đây là cái Job nhàn nhã và tiền lương cũng khá cao, có nhà ở, xe chạy có tài xế, có ăn mà việc làm thì tà tà lại có cơ hội du lịch nhiều nơi... vậy mà kiếm được một người làm không phải là dễ vì đòi hỏi nhiều điều kiện khắt khe. Anh chàng Nguyễn Ngọc Thuận, Thiếu tá Thiết giáp, Cử nhân văn chương Anh, đã được Larry nhận cho làm; nhưng không biết gã nói gì đó với Thuận khiến anh nổi nóng, đứng dậy chỉ thẳng vào mặt Larry nói: "Ngày xưa, gặp tao mày phải gọi tao là Sir. Bây giờ dù tao có thất thế nhưng đừng có hỗn láo với tao..." Thế là Thuận từ chối cái Job béo bở này, tự nguyện trở về Trại Sikiew nằm chờ thời gian trôi đi chậm chạp. Anh chàng thứ hai được đưa ra là Vũ Ngọc Bách, Đại úy Công Binh do Merle interview (Vũ tự nguyện đứng ngoài cuộc tuyển người vì anh không phải nhân viên của văn phòng này hơn nữa vì phỏng vấn người Việt, anh không muốn bị mang tiếng là thiên vị; trong khi đó có đôi khi tuyển người cho Tiểu ban Lào hoặc Kampuchia thì hai người kia lại nhờ anh làm giúp).
Merle là một người Mỹ có vợ Việt Nam, đã phục vụ nhiều năm ở VN, cũng có tên Việt là Nguyễn Văn Minh, nên y nói tiếng Việt còn sõi hơn nhiều người Việt khác. Y biết đến những tiếng lóng của người Việt, biết nói lái và biết nói bóng gió xa xôi... Nếu không nhìn vào cái mũi lõ, cặp mắt xanh lơ và mái tóc vàng hoe mà chỉ nghe tiếng nói của y thì chắc chắn người ta sẽ nghĩ là một người Việt nam đang nói chuyện. Merle quá rành, nên khi trò chuyện với Bách, khi giỡn cợt Bách sơ hở không biết y gài nên nói hớ một đôi câu để y biết được khi Bách còn ở đơn vị Công Binh VNCH, đã có vài lần lấy đồ của đơn vị về nhà xài riêng. Merle nói với Vũ: "Ông biết mà, những người làm công việc như mình thì phải trong sạch. Có máu tham ô thì không làm công việc của mình được đúng không? Vì vậy tôi phải trả anh ta về Trại NW.82". Dĩ nhiên là đúng! Vì tham ô thì khó mà qua được máy Polygraph Test, làm sao có thể làm được trong ngành này.
Một người khác cũng được Vũ mang ra chờ interview là Bùi Minh Ngọc, Thiếu úy Không Quân VNCH cũng ở trại NW 82. Ngọc nằm chờ đã cả tuần nay, Vũ để cho phụ làm những công việc giấy tờ; vì bận rộn vụ Lý Tống nên chưa được interview.
Tuần sau thì Vũ sẽ đi Trại Sikiew để chở ông Nguyễn Văn Hồng, Trung tá Sĩ quan liên lạc cạnh Bộ Tư Lệnh Quân Đội Đồng Minh ở Sàigòn trước năm 1975. Ông Hồng đến Trại Sikiew mới được mấy tháng nay, nhưng vì là Sĩ quan liên lạc nên thông thạo Anh, Pháp, Thái, Hoa vì vậy Vũ quyết định lấy ông ra thử xem có làm việc được không. Nếu có người lúc nào thì Vũ sẽ về ngay Bangkok lúc đó.
Thay vì về thẳng nhà, Vũ bảo tài xế lái xe đưa anh ra phố chợ Aranya Prathet mua cho Tống mấy bộ quần áo, vài cây thuốc lá và ít đồ dùng hàng ngày. Vũ chỉ mới gặp Tống trong vài ngày ngắn ngủi, nhưng hàn huyên tâm sự thì quá nhiều. Anh có cảm tưởng như sắp phải chia tay với một người em, một người thân không biết đến bao giờ mới được gặp lại. Rồi anh tự an ủi: "Thôi thì để cho Tống lên Trại Phanat Nikhom chuẩn bị đi định cư cũng là một điều maỵ Biết đâu khi sang Mỹ Tống sẽ làm được nhiều điều hay, nhiều điều có ích cho tập thể người Việt hải ngoại..."
Khi về đến nhà thì trời đã sẩm tối. Mấy anh em đang ngồi đàn hát ở bàn thấy Vũ về vội chạy ùa ra để mang đồ đạc vào nhà. Tống đang ngồi hút thuốc, hí hoáy viết cái gì đó trên bàn. Vũ gọi Tâm, một em bộ đội ở Aran Jail được Vũ giữ lại Eagle 's House dọn dẹp nhà cửa:
-Tâm à! Dọn cơm ăn đi em.
- Dạ! Anh Ba.
-Anh có mua thêm vịt quay, thịt heo quay, bánh bò và bánh hỏi... Tâm nhớ làm nước mắm cho ngon nghe.
Chỉ trong chốc lát bàn tiệc đã được dọn ra ê hề những món ăn trên bàn. Vũ kêu mọi người im lặng để anh nói lý do bữa tiệc linh đình này:
- Các em chắc muốn biết lý do bữa tiệc đặc biệt ngày hôm nay lắm phải không? Đây là bữa tiệc mừng anh Lý Tống đã được giải oan; chính thức thoát cảnh lao tù oan ức và cũng là để chia tay với anh Tống. Mọi người đều ồ lên ngạc nhiên. Vũ đưa tay ra hiệu im lặng rồi nói tiếp: Sở dĩ anh nói như vậy vì chiều nay đi họp, ông Tong Đen đã quyết định chuyển anh Tống lên Phanat Nikhom để làm thủ tục định cư. Vậy các em cùng nâng ly để chúc mừng và chia tay với anh Tống. Nói xong, Vũ cầm ly của mình nâng lên cụng với Tống.
- Em xin chân thành cảm ơn anh Ba về sự giúp đỡ quý báu mà anh Ba đã dành riêng cho em. Em xin tặng anh Ba bài thơ em mới viết để tỏ lòng tri ân anh. Vừa nói, Tống vừa đưa Vũ tờ giấy nhỏ có viết bài thơ. Em xin anh Ba uống cạn ly này với em và cầu chúc anh Ba luôn khỏe mạnh.
Mọi người cùng nâng ly uống cạn, và bắt đầu thanh toán các món ăn trên bàn, truyện trò vang rền. Bây giờ thì Vũ đã biết khi nãy Tống ngồi hí hoáy viết cái gì rồi. Anh mở tờ giấy ra đọc:

YOUR KINDNESS

I have a very hard head
But I get a soft heart
So it makes me hurt
Even with a light touch
Your kindness is something
It's stronger but it's smooth
It can not see
But it feels very good
It can not speak
But it understands
It moves very slow
But it overflows very fast
It looks like an absence
But existence’s obvious
It sounds like a silence
But it echós very great
It seems like nothing
But it means everything.
(Thơ Lý Tống - 1982)
Bữa tiệc kéo dài cho đến khuya. Khi mọi người đã đi ngủ, Vũ rủ Tống lên ngồi ở balcon tiếp tục uống rượu. Vũ đưa cho Tống mấy bộ quần áo, cây thuốc lá và vài trăm đồng tiền Thái để Tống dùng khi đến trại mới. Vũ nói:
- Có một điều này anh muốn nói với Tống; nếu Tống bỏ bớt được tánh kiêu ngạo thì Tống sẽ trở thành người rất hữu dụng cho đất nước sau này. Nếu Tống tiếp tục giữ tánh đó, thì hoặc là Tống sẽ rất thành công khi có dịp nắm được những cơ hội tốt, hoặc Tống sẽ bị vấp ngã nhiều hơn, đau đớn hơn.
- Dạ! Cảm ơn anh Ba. Em sẽ ghi nhớ lời anh Ba.
Vũ và Tống ngồi uống rượu tâm sự cho đến khuya, khi những hạt sương xuống thật dầy, đọng ướt đẫm những chiếc lá xoài vươn vào lan can đụng cả vào tay Vũ. Anh dặn dò Tống đủ điều như một người anh dặn dò người em khi phải xa nhà. Vũ nhìn trong ánh mắt Tống có những vệt long lanh của sự cảm động vì những săn sóc của anh. Vũ đứng dậy bảo Tống:
-Khuya quá rồi. Đi ngủ nghe Tống.

12.

Chiếc xe pick up màu xanh của Trung úy Sẳng rẽ vào trong sân. Vũ siết chặt tay Tống bịn rịn, anh nghe lòng buồn rũ rượi.
- Thôi Tống đi nghe. Cố giữ gìn sức khỏe. Hy vọng có ngày gặp lại nhau.
- Chào anh Ba em đi. Chào mấy anh em ở lại, chúc mấy anh em may mắn.
Tống quay sang vẫy tay từ biệt các anh em đứng lố nhố trong sân; rồi leo lên xe ngồi cạnh Sẳng. Chiếc xe từ từ rời khỏi Eagle’s House trong sự quyến luyến của mọi người. Vũ quay trở vào văn phòng, ngồi trước chồng hồ sơ dầy cộm nhưng chỉ thấy những hàng chữ nhảy múa trước mặt. Tấm lịch trên bàn cho anh biết ngày Tống rời Eagle’s House là 23 tháng 11 năm 1982. Tự dưng anh cảm thấy trong lòng nôn nao bồn chồn một cách kỳ lạ. Linh tính như báo cho anh biết có chuyện bất ổn đang xảy ra... Anh biết không thể làm gì được trong lúc này nên gấp hồ sơ cất vào tủ, khóa lại; rồi lững thững ra vườn đứng ngắm mấy cụm hoa hồng đang trổ bông. Anh dặn dò Tâm nhớ tưới cho mấy khóm hoa cúc và mấy giò lan treo ở nhà thủy tạ, mấy gốc ớ sau hiên nhà, xong trở vào ngồi trước máy truyền tin gọi về Bangkok cho David Campbell. Anh nói với xếp là muốn trở về Bangkok càng sớm càng tốt vì không thích không khí ở đây. David cũng nói đang cần anh trở về gấp vì số người đi sang Mỹ theo diện ODP và Con lai Amerisian ngày một đông, bị ối đọng quá nhiều không có người thanh lọc. Vũ nói anh sẽ về lại BangKok trong tuần sau vì hiện tại đã có Bùi Minh Ngọc tạm thay thế anh ở Eagle’s House và yêu cầu David kiếm mướn cho anh một căn nhà khác ở khu Sathorn Tai, gần Tòa Đại sứ Mỹ. Anh thích khu vực này vì vừa gần Tòa Đại sứ mà cũng gần cơ quan ODP ở Soi Tien Siang và Cơ Quan JVA ở 89 Wireless để dễ chạy qua, chạy lại khi cần; hơn nữa lại gần khu thị tứ dễ đi ăn nhậu, mua sắm...
Cuối tháng 12/1982, Vũ giao lại căn nhà Eagle’s House cho Bùi Minh Ngọc phụ trách, trở về Bangkok giữ nhiệm vụ Sĩ Quan An Ninh thanh lọc VC trà trộn trong số những người sang Mỹ theo diện ODP và Con Lai. Anh nói với Ram Ruong, Sĩ quan liên lạc Thái có nhiệm vụ theo anh làm Thông dịch tiếng Thái ghé lại Trại Phanat Nikhom cho anh kiếm mấy người quen, vì trên đường từ Aranya Prathet về Bangkok phải đi qua Trại nàỵ Vũ định bụng ghé lại Trại Phanat xem Tống còn ở đó không và có cần gì thì anh giúp cho.
Khi vào trong Trại, Vũ sai Chô, một người Thái làm việc cho Văn phòng Bộ Nội Vụ Thái ở Trại này, đi tìm kiếm Tống cho anh, nhưng lục hết mọi danh sách nhập Trại trong thời gian từ 23/11/82 cho đến nay không có tên Tống trong đó. Vũ phải sang Văn phòng Cao Ủy Tị Nạn LHQ ở Phanat do Ông Chaluay, người Thái phụ trách để nhờ ông này tìm trong danh sách người tị nạn trên đất Thái, nhưng cũng không có tên Tống. Vũ liền bảo Ram Ruong gọi điện thoại về Bangkok để truy tìm tông tích của Tống xem đang ở đâu. Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, Đại tá Prachet đã báo cho anh biết một "bad news" là ngày 23/11/1982, đáng lẽ phải đưa Tống lên Phanat Nikhom, ông Tong Đen đã tráo đổi giấy tờ và đưa Tống ra Trại Phnom Samet thuộc quyền kiểm soát của Kháng chiến Miên. Những người nằm ở Trại này chưa được công nhận là tị nạn và chưa được quyền bảo trợ của Cao Ủy Tị Nạn; đó là lý do Chaluay không tìm thấy tên Tống trong danh sách của Cao Ủy. Vũ chợt hiểu ra ý đồ thâm độc của Tong Đen, vì thù Tống chửi y, nên y định mượn tay Kháng chiến Miên giết Tống, vì với tính bướng bỉnh, cứng đầu như Tống rất dễ bị những người kháng chiến Miên sát hại. Nghĩ như vậy nên Vũ càng lo lắng, bồn chồn. Suốt cuộc hành trình trở về Bangkok anh cứ thấp thỏm lo âu không yên... Vừa về đến Bangkok, Vũ gọi điện thoại đi khắp nơi để khiếu nại về trường hợp của Tống, về sự vô kỷ luật của Tong Đen... nhưng không đi đến đâu vì người Thái thì bênh nhau họ không muốn khơi lại vụ này, người Mỹ thì bận rộn nhiều chuyện khác hàng ngày, chẳng ai quan tâm đến Lê Văn Tống nữa. Anh chẳng biết làm cách nào để liên lạc với Tống ngoài biên giới, vì với chức vụ mới, nhiệm sở mới khiến anh bận bù đầu suốt ngày, có khi làm việc đến tận khuya. Chỉ có một mình anh mà vừa phải Phỏng vấn và thanh lọc những người đi theo chương trình ODP mỗi tuần đến Thái khoảng 250 đến 300 người, phỏng vấn chương trình Con Lai cũng khoảng 200 đến 300 người một tuần, viết phúc trình, đánh máy, xong còn phải họp hành lu bu. Công việc bận rộn khiến anh không còn thì giờ làm những việc riêng tư của cá nhân mà anh vẫn thường làm là đi mua sắm những món quà gửi về Việt Nam cho cha mẹ anh. Anh đã nhiều lần yêu cầu David Campbell cho anh thêm người phụ tá để giúp anh thanh toán bớt những hồ sơ ứ đọng. David cũng thấy anh bận rộn quá nhưng y lại giao nhiệm vụ kiếm tìm người cho anh, mà anh không có thì giờ rảnh đi xuống các trại kiếm tìm người có khả năng ra làm việc phụ anh. Mãi mấy tháng sau anh mới kéo được Tôn Thất Hồng (15), Trung úy Hoa Tiêu Trực thăng của Không Quân VNCH ra phụ giúp...
Một buổi sáng giữa tháng 2 năm 1983 (khoảng ngày 11 hoặc 12 gì đó, Vũ không nhớ chính xác), khi đang ngồi ăn sáng để chuẩn bị đi làm, anh đã nhẩy nhổm người lên khi đọc một bài viết trên tờ Bangkok Post. Vũ còn nhớ rõ tựa đề của bài báo: "Vietnamese Refugee Flees To Singapore the Hard Way" của Barry Wain. Bài báo này được đăng tải trên tờ The Asian Wall Street Journal và tờ Bangkok Post đã đăng lại. Bài báo như có một luồng điện làm anh tê cóng cả người, anh say mê đọc bài tường thuật của Barry Wain đến quên cả ăn. Nỗi mừng vui choáng ngợp con người anh khiến anh trở nên vụng về luống cuống. Anh vội vã bốc điện thoại thông báo cho mấy người bạn cùng làm trong Embassy mà anh đã từng kể cho họ nghe chuyện về Tống trong thời gian ở Aranya Prathet và viết vội mấy giòng báo tin cho bạn bè của Tống như Nguyễn Bảy, Hoàng Văn Mai, Võ Thành Sô ... ở Trại Sikiew biết tin. Vũ tin là con người như Tống chắc chắn sẽ không chịu nằm im thúc thủ trong những vòng rào thép gai của Trại Nong Samet. Vũ rất vui khi nghe tin của người bạn sơ giao nhưng tưởng chừng như tri kỷ đã trở thành người tị nạn đường bộ có cuộc hành trình bằng chân dài nhất, vượt qua hơn 2500 cây số, vượt ngục 3 nhà giam và bơi qua eo biển Johore Strait để đến được Singapore an toàn.
Cuối tháng 6/1983, Vũ nhận được một lá thư của Tống viết từ đảo Galang, Indonesia; trên một tờ giấy màu xanh, một mặt có bài thơ "YOUR KINDNESS" mà Tống viết cho Vũ đêm trước khi chia tay ở Aranya Prathet. Những giòng chữ quen thuộc của Tống khơi lại cho Vũ những kỷ niệm lãng đãng ở vùng đất khô cằn, nắng cháy với những tình thân của một người đồng hương, một bạn tù, một tình huynh đệ chi binh. Tất cả phải chăng là cái duyên với nhau trên phần đời lưu lạc xứ người. Lá thư của Tống viết:

Galang, 14 June 1983
Anh V.
Những ngày gặp anh, những đêm đối ẩm, nghe nhạc, đọc thơ, những hy vọng vừa lóe lên và tàn rụi... thoáng chốc đã hơn nửa năm. Tình cảm của những kẻ vừa mới gặp nhau, quen nhau mà tưởng như có chung một quá khứ, có chung những kỷ niệm của tri kỷ, tri nhân.
Tưởng anh đã đi, tưởng sẽ không có dịp để viết vài lời hồi tưởng, để nhắc nhở lại tí tình. Địa ngục đỏ không giữ được tôi, địa ngục "đất tự do" cũng đành hậm hực nhìn "Eagle" tung cánh. Sức mạnh tiềm ẩn của 8 năm cay đắng, thao thức đã nâng tấm thân gầy hốc hác trên đôi chân đơn độc ngàn dặm. Tôi sẽ tiếp tục đi trên con đường định mạng mà những tình cảm bè bạn, chiến hữu là những chất lửa nhiệt tình quí báu.
Tôi sẽ đi Mỹ tháng 8/83. Nếu có phương tiện, anh có thể photocopy mấy bài báo này gởi Bảy và bè bạn ở Sikiew.
Chúc anh và các bạn những may mắn bất ngờ.
Lý Tống"

VŨ UYÊN GIANG
Chicago, Tháng 12/1991
Ghi chú:
(1) xảm ló: xe ba bánh
(2) Nguyễn Bá Ruyệt: hiện đang cư ngụ tại Richmond, Virginia
(3) Khun Phá Lẳng: người ngoại quốc
(4) Khun Chanas Michay: có nghĩa là Mr.Victor (5) Pẹt Xảm Pẹt: Tám Ba Tám
(6) Khấp Phổm: Yes Sir
(7) Sa Wạt Đi Khấp: Dạ xin chào
(8) Pút Ba Xả Thài níc nòi: Nói tiếng Thái được một chút
(9) Hà Sủn Hột: 506
(10) Hổ ná: Ông Xếp
(11) Krung Thép: Bangkok
(12) Thomy tức Thạch Thom, cựu Đại úy VNCH phục vụ tại BTL. Quân Đoàn I Đà Nẵng. Thom định cư tại thành phố Seattle, Washington từ 1982 (đã chết vì bệnh). Nguyễn Ngọc Thuận: Thiếu tá Thiết Giáp. Hiện đang cư ngụ ở Tempe, Arizona. Vũ Ngọc Bách, Đại úy Công Binh hiện cư ngụ tại Los Angeles, CA. Bùi Minh Ngọc, Thiếu úy Không Quân hiện cư ngụ tại New Jersey City, NJ. Nguyễn Văn Hồng, Trung tá Phụ tá tùy viên Quân sự Tòa Đại sứ VNCH tại Đài Loan; cư ngụ tại McLean, VA – ông Hồng đã chết vì bệnh. Tôn Thất Hồng, Trung úy Không quân, hiện cư ngụ ở Seattle, WA.
(13) Đeo kiềng: Bị cùm chân trong vòng sắt (14) Check point: trạm kiểm soát
(15) A.50 Nam Vang: Bộ Chỉ Huy Quân sự của lực lượng VC chiếm đóng Kampuchia
(16) Võ Thành Sô, Nguyễn Bảy, Hoàng Văn Mai là những hoa tiêu Không quân bạn Tống. Nguyễn Bảy, Đại úy KQ hiện cư ngụ ở San Jose, CA(17) Nắng sử: nhật báo
(18) Bài thơ này đã được Thuận in trong Thi tập Tù Ngục và Tâm Thức Lưu Đầy
(19) INS: Sở Di Trú
(20) Polygraph Test: Máy Sự Thật hoặc còn được gọi là máy Lie-detector