Friday

MÓN QUÀ XUÂN VÔ GIÁ


Ông Phát ngôi thầm thũi trong bóng tối mờ nhạt của căn phòng có cái cửa sổ nhìn thẳng xuống con đường mà ông thường gọi nôm na là đường Ngàn Ốc (Thousand Oak Road), thuộc thành phố Hoàng Thành (Kingwallville). Ánh vàng vọt của ngọn đèn đường hắt vào căn phòng khiến cho mặt ông sáng một mảng trên má như người bị bệnh bạch tạng. Gia đình ông dọn về căn apartment nằm giữa khu phố bình dân của người Mỹ nghèo này được gần 1 năm nay, sau khi đến định cư ở Hoa Kỳ theo diện HO, do một Hội Nhà thờ bảo trợ thuê cho. Căn apartment 3 phòng ngủ nằm trên lầu của một tiệm hớt tóc của người Việt làm chủ nên ông cũng đỡ cảm thấy bơ vơ nơi xứ lạ.

Vợ chồng chú Toàn, chủ tiệm hớt tóc là người tốt bụng, nên đã hết lòng chỉ dẫn giúp đỡ vợ chồng ông trong khi còn bỡ ngỡ. Chú Toàn là lính hải quân đã cùng đoàn tàu rời đất nước ngay trong ngày đen tối khi miền Nam rơi vào tay giặc cộng. Sang đến Trại tị nạn ở đảo Guam, chú được một gia đình một người Mục sư da đen bảo trợ về Tiểu bang New York sinh sống. Ông bà mục sư đã giúp cho vợ chồng Toàn một công việc khá nặng nhọc trong một xưởng sắt. Được vài năm sau, nhờ một người bạn hướng dẫn, Toàn đã đi học nghề hớt tóc và mở tiệm trong khu Mỹ đen nghèo này để sinh nhai nên cuộc sống khá ổn định. Căn nhà 2 tầng đã cũ có lẽ cũng trên 50 năm tuổi thọ; lúc đầu do nhà thờ Tin lành mua để cho vợ chồng chú ở tạm; sau khi đã ổn định đời sống, Toàn đã mua lại căn nhà với gía rẻ, tầng trệt anh sửa lại để mở tiệm hớt tóc ở phía trước, còn vợ chồng anh ở ngay phía sau. Nhân khi có gia đình ông Phát cũng được ông mục sư bảo trợ đến, nhà Phát đang bỏ trống một tầng lầu nên mục sư đã thuê lại cho gia đình ông Phát tạm trú. Lâu nay bận rộn với công việc làm ăn; hơn nữa thành phố Kingwallville lại là một town nhỏ cách xa nơi thị tứ nên chẳng có mấy người Việt cư ngụ; vợ chồng Toàn cũng ít có dịp gặp gỡ người đồng hương. Có gia đình ông Phát đến ở, vợ chồng Toàn rất mừng, nhất là biết ông là Trung tá Trung đoàn trưởng một Trung đoàn Bộ binh ở miền Trung, sau ngày 30/4/75 bị kẹt lại trong nước vì những lệnh lạc quái gở của người lãnh đạo, khi thì bảo rút quân; khi lại ra lệnh cố thủ khiến binh sĩ dưới quyền không biết phải thi hành ra sao. Ông Phát quyết định ở lại với binh sĩ thuộc quyền cho đến giờ phút cuối dù ông có rất nhiều cơ hội để trốn chạy trước, nhưng ông không nỡ bỏ rơi những thuộc cấp của mình. Ông bị giặc cộng bắt cho vào nhà giam tổng cộng trên 14 năm mới được thả.

Gia đình ông Phát có hai vợ chồng và hai người con: Thu, con gái lớn đã 30 tuổi còn sống độc thân và Phong con trai út 28 tuổi; cả hai đều đã được hội bảo trợ kiếm sở cho làm nên ban ngày căn nhà chỉ còn lại hai ông bà già. Ông Phát đã trên 65 tuổi, sức khoẻ yếu kém do nhiều năm dài bị đày ải trong các nhà giam của cộng sản. Ông phải chịu đựng bao nỗi đau đớn nhục nhằn của kiếp bại binh, bị trăn trở dằn vặt vì trách nhiệm thất phu không tròn giữ nước, bảo vệ những người dân miền Nam, và thuộc cấp. Bà Phát cũng chẳng khá gì hơn vì sau ngày miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm, bà đã tần tảo nuôi con thơ, và dành dụm thăm nuôi chồng nhiều khi tưởng đã ngã qụy, nhưng cứ nghĩ đến chồng đến con bà cắn răng chịu đựng những sự chèn ép của những tên cán bộ cộng sản trong Phường, trong xóm.
Tuy mới sang, nhưng ông cũng đã gặp gỡ một số bạn bè cũ trong quân ngũ sang đây từ trước và cũng được nghe, được biết về tình hình phân hoá của hàng ngũ cựu quân nhân ở hải ngoại. Những người đàng hoàng đứng đắn thì chỉ nén tiếng thở dài nhìn những tan hoang của tập thể quân nhân hải ngoại. Nhiều kẻ nhi nhô tranh đoạt những hư danh, tranh chấp nhau từng lời ăn tiếng nói, ghen tị với nhau từ nhà ở, xe cộ... Có một số kẻ hèn hạ ti tiểu cấu kết với nhau thành phe nhóm đã không từ những thủ đoạn đê tiện tung thư rơi, thư rớt, thư nặc danh cố bôi nhọ, chụp mũ cho chiến hữu xưa của mình tánh cương trực, thẳng thắng là cộng sản, đẩy họ vào phiá đối phương để trở thành kẻ thù của những người tị nạn CS...; mà những người tị nạn vốn dị ứng với bọn vô thần nên dễ tin theo những kẻ chụp mũ, rồi cứ thế loan truyền bừa bãi, không cần phối kiểm... Càng nghĩ, ông càng buồn, càng chua xót cho cảnh đời lố lăng. Có cấp lãnh đạo đất nước múa rối, bốc đồng đã tuyên bố lăng nhăng chối bỏ hàng ngũ quốc gia và ngây thơ lăm le chuyện cộng tác với cộng sản. Họ đã quên một điều là cộng sản luôn luôn xảo quyệt, trí trá ngay bọn chúng với nhau còn chưa tin nhau thì làm sao chúng tin được đối phương của chúng? Dù được sang đất nước này nhưng ông vẫn căm hận người bạn Mỹ đã đâm sau lưng người Việt bằng cách đẩy cả một dân tộc vào trong vòng khổ đau ly tán. Cái danh hiệu tiền đồ chống cộng của thế giới tự do, người bạn đồng minh chẳng qua chỉ là những danh từ hoa mỹ lừa mị người lính Mỹ và người lính VNCH. Tất cả chỉ vì quyền lợi của nước họ mà họ sẵn sàng bán đứng người bạn đồng minh nhược tiểu bằng mọi thủ đoạn đê tiện nhất. Ông cũng thương những người chiến sĩ Mỹ đã đổ máu xương, sát cánh cùng ông trong những trận chiến lừng lẫy từ A Shao, A Lưới, Khe Sanh, Đông Hà..., họ cũng bị chính quyền của họ ở Hoa Thịnh Đốn lừa gạt máu xương ôm mối hận thất trận nhục nhã và bị dân chúng khinh ghét ruồng rẫy.
Sau ngày Miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm với sự ngoảnh mặt của người bạn đồng minh Hoa kỳ, một sự bội phản nhục nhã của một cường quốc đối với một nước đồng minh do chính Tổng thống Nixon đã cam kết, mà sau này ông đã thú nhận với báo chí rằng “khuyết điểm lớn nhất của Hòa ước Paris là cuộc ngưng bắn cho quân đôi Bắc Việt được ở lại những vùng họ chiếm giữ tại Nam Việt Nam.” Trong quyển sách “NO PEACE, NO HONOR: KISSINGER, NIXON AND BETRAYAL IN VIET NAM” (Không Hòa Bình, Chẳng Danh Dự: Nixon, Kissinger và Sự Phản Bội Ở Việt Nam) của tác giả Larry Berman, Giáo sư Chính trị Học kiêm Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Hoa Thịnh Đốn của Trường Đại Học California đã dựa vào các tài liệu mới được bạch hóa để trình bày tỉ mỉ diễn tiến những mật đàm giữa Kissinger và Lê Đức Thọ tại Paris, những cam kết của TT.Nixon với TT.Nguyễn Văn Thiệu là: “sẽ trả đũa mạnh mẽ nếu Bắc Việt vi phạm Hiệp định”, những lời hăm dọa của Kissinger với ông Thiệu: “TT.Thiệu không nên làm thánh tử đạo...”, hoặc lời hăm dọa của tướng Alexander Haig khi TT.Thiệu không chịu ký vào Hiệp định bất lợi cho VNCH: “...nếu không ký thì chúng tôi sẽ có biện pháp tàn bạo...” v.v... và v.v... để áp lực TT.Thiệu phải ký vào bản Hiệp định Paris. Ông Larry Berman cũng cho rằng khi Nixon loan báo đạt được thỏa hiệp hòa bình cho Miền Nam để rút quân Mỹ về và nhận số tù binh Mỹ bị cộng sản Bắc Việt giam cầm là “đã đạt được hòa bình trong danh dự...”; ông Nixon và ông Kissinger đã lừa bịp dân chúng Mỹ; vì hai ông thừa biết Bắc Việt sẽ khởi động cuộc chiến trở lại với sự viện trợ dồi dào của cả khối cộng sản cho đến khi chiếm được Miền Nam. Quả thật, chỉ thời gian ngắn sau đó cả Miền Nam đã bị cộng sản nhuộm đỏ...

Thiếu tá Clark, người sĩ quan cố vấn Mỹ của ông thời ông còn giữ chức Tiểu đoàn trưởng, thỉnh thoảng vẫn điện thoại thăm hỏi và than thở với ông về nỗi đau của người quân nhân Mỹ thất trận, bị cả nước quên lãng, khinh rẻ. Thế mới biết từ xưa đến nay, kẻ thắng luôn có cơ hội phét lác, huênh hoang; còn người bại binh ôm mối nhục nhằn đau đớn. Nỗi buồn như phiến đá tảng đè nặng trong tâm khiến ông trầm tư ít nói, chỉ ngồi thờ thẫn nhìn vào khoảng hư không như một kẻ mất hồn. Ông nghĩ đến những ngày chinh chiến cũ, đến bạn bè đồng đội, đến bao người đã ngã xuống trong những trận chiến long trời lở đất đem máu xương quyết bảo vệ từng tấc đất của miền Nam thân yêu trước nanh vuốt bạo tàn của cộng sản. Tất cả những hy sinh ấy trở thành vô nghĩa khi chính quyền Mỹ tháo chạy nhục nhã vào những ngày cuối Tháng Tư, trở thành phí phạm một cách không đáng. Thân phận nhược tiểu bị lệ thuộc vào nước đại cường và bị xử dụng như những con chốt thí khi cuộc cờ tàn, khi họ đã đạt được những thoả hiệp cho quyền lợi của họ, chỉ còn những tan nát, khổ đau của quân dân nhược tiểu. Sự bội phản đê hèn được che đậy bằng những lời buộc tội trâng tráo, gỉa trá hèn mạt của kẻ bội phản cốt để đổ tội cho người lính cộng hoà. Ông nghĩ, hơn hai mươi năm chiến đấu gian khổ giữ gìn miền Nam, người lính VNCH đã là những anh hùng dũng cảm tuyệt vời; đã chiến đấu một cách kiên cường, gian khổ mà trong lịch sử chiến tranh chưa một đội quân nào chịu đựng nổi. Cuộc chiến ấy, quân đội ấy với những thiếu thốn đến độ không tưởng đã giữ vững từng tấc đất của quê hương, người lính cộng hoà đã không tiếc máu xương để ngăn chặn giặc thù phương bắc tay sai của chủ nghĩa ngoại lai vong bản. Họ đã không một lời than trách, không một oán hờn, không một đòi hỏi. Họ cam chịu những thiệt thòi chỉ vững một điều chiến đấu gìn giữ quê hương, bảo vệ sự tự do cho người dân. Và cuối cùng họ đã bị đâm sau lưng bằng một nhát chí tử bởi sự bội phản đớn hèn của bạn đồng minh.
Ông Phát gục đầu xuống bàn, những ngón tay gầy guộc ôm lấy trán. Ông chợt nhớ mấy câu thơ Tiến đã gửi cho ông mà ông rất thích thú vì nó hợp với tâm trạng của những người lính trong thời tao loạn như ông khi tàn cuộc:

“...Vang súng đạn thù trên trận tuyến.
Sa trường binh lửa nặng oằn vai
Thất phu sinh giữa thời chinh chiến.
Trách nhiệm không tròn, tủi kiếp trai.”
(Thơ VUG)
Người ông sũng buồn. Hai giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo...

Tiến ngồi trong chiếc bàn ở góc tiệm Pizzar do anh làm chủ. Từ ngày sang Mỹ định cư, sau những ngày làm lụng vất vả, anh đã dành dụm mở nhà hàng nho nhỏ trong một thành phố mang tên Hoàng Hậu (Queen City) ở đông nam Hoa kỳ được vài năm. Công việc cai quản nhà hàng cũng tương đối nhàn nhã vì có nhân viên phục vụ đầy đủ. Hàng ngày, anh chỉ đến mở cửa, trông coi sổ sách rồi ngồi uống trà trò chuyện với bạn bè. Từ một quân nhân, sau nhiều năm tù đầy trong lao tù cộng sản, anh vượt ngục và vượt biển bằng một chiếc thuyền con loại đi sông, với những trang bị thô sơ để đến được bến bờ tự do tới nay cũng đã gần 20 năm trở thành chủ nhân một cơ sở thương mại, một lãnh vực hoàn toàn trái ngược với khả năng chuyên môn của anh. Sau khi sang Mỹ, anh đã ghi danh đi học trở lại ở một Trường Đại học cộng đồng (Community college) ở Thành phố Gió (Windy City) về ngành điện tử. Tốt nghiệp, anh vào làm cho một hãng điện tử hạng trung gần nhà được vài năm, sau đó đã từ chức để về kinh doanh trong ngành nhà hàng ăn. Công việc tuy dài giờ nhưng cũng đủ sống. Anh là một người có lòng với bạn bè, bằng hữu nên dù sống trên phần đất tạm dung, anh vẫn nghĩ đến những người bạn đã một thời chung lưng đấu cật chiến đấu chống cộng gìn giữ quê nhà, nên bằng mọi cách, anh tìm kiếm, liên lạc với những người bạn mới sang theo diện HO. Biết người nào ở bất cứ thành phố nào, tiểu bang nào trên nước Mỹ anh cũng gọi điện thoại thăm hỏi, trò chuyện và nhắc lại những kỷ niệm thời quân ngũ... Những người còn kẹt ở Việt Nam thì anh gửi chút qùa và nhắn với người bạn thụ nhận đi tìm những bạn bè khác, thuộc cấp cũ gặp gỡ nhau nhậu một bữa cho vui vì anh không muốn về Việt Nam dù những hình ảnh quê hương vẫn tràn ngập tâm hồn, nhưng không muốn nhìn thấy bóng dáng những tên Việt cộng nên anh không về; dù hằng đêm vẫn trăn trở với những kỷ niệm thuở thiếu thời; dù những góc phố cũ, hàng quán xưa; những con hẻn lầy lội sau mỗi cơn mưa, những mái nhà tôn nằm chen chúc trong những con hẻm nhỏ hẹp ngoằn nghèo, những gốc cây, những hè phố… vẫn xôn xao trong anh như những hình ảnh khó phai mờ. Anh tìm tòi những vật kỷ niệm của quân đội và cất giữ như những bảo vật trân qúy, từ những miếng huy hiệu các quân binh chủng QLVNCH, hoặc những tấm huy chương, những hình ảnh chiến đấu hào hùng của quân đội... Tất cả những thứ đó đối với anh như thân quen, như gần gũi khiến anh cảm thấy sống lại những những kỷ niệm với bạn bè chiến hữu ngày xưa. Anh thường gọi điện thoại an ủi ông Phát, cấp chỉ huy cũ khi biết ông đã được sang định cư ở Hoa Kỳ sau 14 năm tù đầy trong lao tù cộng sản. Anh cũng gửi sách báo sang cho ông đọc khi thấy ông than thở ở chỗ của ông ít người Việt nên không có gì để xem, mà truyền hình thì không hiểu hết những gì họ nói.
Tiến nhìn ra ngoài cửa sổ, những cành cây khẳng khiu trơ trụi lá đang run rẩy ngả nghiêng trước gió. Thời gian ở cái xứ này dường như trôi nhanh hơn khi ở quê nhà; thắm thoát mà đã đầu tháng giêng, chỉ còn hơn hai mươi ngày nữa đã là Tết nguyên đán . Hôm qua ghé ngang tiệm tạp hoá gần nhà, anh thấy họ bầy bán la liệt bánh mứt, trà rượu, hoa quả khiến lòng anh thêm rộn rã nhớ lại những xuân xưa ở quê nhà. Bây giờ tháng ngày trôi đi khiến anh ngậm ngùi nhìn mái tóc bạc thưa dần để chợt biết rằng mình đã gìa, chợt tiếc nuối thời trai trẻ qua mau. Anh khẽ ngâm mấy câu thơ:

“Người lính trẻ nay trở thành lão trượng
Vẫn ngậm ngùi nhớ lại chiến trường xưa”

Anh dự định mua một chút quà nhỏ để gửi biếu người chỉ huy cũ Trung tá Lê Phú Phát, nhưng cứ phân vân mãi chưa biết nên biếu ông món gì. Anh chợt nhớ đến một vật mà anh nghĩ ông sẽ rất thích ... Tiến về nhà lục trong ngăn tủ lấy tấm huy chương Đệ tứ đẳng Bảo Quốc Huân Chương anh mua lại của một cựu quân nhân Hoa Kỳ giữ làm kỷ niệm cho vào chiếc hộp nhỏ dự định sẽ gửi cho ông Phát qua đường bưu điện. Anh phục vụ dưới quyền Ông Phát từ ngày ông còn là Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng. Ông là một sĩ quan gương mẫu, thanh liêm, đứng đắn và dũng cảm. Ông xuất thân từ Khoá 5 Trường Võ Khoa Thủ Đức; suốt đời binh nghiệp lăn lộn ở mọi chiến trường sôi động và đã được ân thưởng đủ loại huy chương; trong đó cao nhất là tấm Đệ tứ đẳng Bảo Quốc Huân Chương. Trong đơn vị, Ông rất thương những thuộc cấp, hết lòng chăm sóc, thăm hỏi và giúp đỡ anh em sĩ quan, binh sĩ dưới quyền. Ông không bao giờ ăn chặn của lính và chẳng nhận quà cáp biếu xén của ai. Ông là tấm gương sáng cho đơn vị mà ai cũng thương mến. Tiến nghĩ ông sẽ rất vui khi nhận được tấm huy chương dù không phải là tấm chính mà ông được chính tay Tổng thống VNCH gắn tại đại lộ Thống Nhất, Sàigòn nhân ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm 1973. Tấm huy chương chính đó đã bị mất trong những ngày cuối của Sàigòn tháng 4/1975. Dù sao có được tấm huy chương này cũng sẽ an ủi cho ông rất nhiều trong lúc tuổi xế chiều.
Ngày hôm sau, Tiến mang theo hộp quà lên tiệm dự định sẽ ra nhà bưu điện để gửi cho ông Phát thì gặp Tim Smith, một khách hàng ăn quen thuộc của tiệm anh. Tim cũng là một cựu chiến binh Hoa Kỳ đã từng tham chiến ở Miền Trung trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam nên khi biết Tiến cũng là một sĩ quan QLVNCH, Tim rất thích lại trò chuyện. Sau ngày giải ngũ, Tim trở về nước và đã làm việc cho cơ quan điều tra liên bang (FBI) nên thường đi sang các tiểu bang khác công tác. Tiến kể cho Tim nghe về ông Phát nhiều lần, nên hôm nay được anh nói cho biết ý định gửi món quà Xuân biếu ông, Tim hết sức hoan nghênh sáng kiến của anh. Tim cho biết sẽ đi New York vào tuần sau và sẵn sàng mang giao tận tay ông Phát. Tiến đồng ý nhờ Tim mang đến giao tận tay cho ông.

Chiều 23 tháng chạp Âm lịch, ông bà Phát đang chuẩn bị bàn thờ để đưa ông Táo chầu trời như phong tục hằng năm nơi quê nhà. Ông nghĩ dù sống ở xứ người, nhưng vẫn phải giữ đất lề quê thói của người Việt. Ngoài trời tuyết vẫn phủ trắng xoá và từng cơn gió lạnh buốt vẫn xoáy vào chân lông kẽ da khiến lòng người tha hương thêm da diết nhớ nhà. Ông đứng trên chiếc ghế sắt để sắp xếp bàn thờ, còn bà thì đang loay hoay nấu nướng trong bếp. Bỗng có tiếng chuông cửa khiến ông ngạc nhiên không biết ai đến thăm vào giờ này. Ông không có nhiều bạn bè ở Kingwallville vì mới sang chưa được bao lâu; mấy đứa con thì đi làm chưa về... Ông nói vói vào trong bếp:
- Bà ra coi xem ai bấm chuông dùm tôi nghe bà.
Bà Phát lau tay đi ra cửa, ngó trong cái lỗ nhỏ để xem ai trước khi mở cửa thì thấy một người Mỹ nên bà chạy vào bảo ông:
- Người Mỹ ông à! Ông biết nói chút ít tiếng Mỹ thì ra coi họ hỏi cái gì.
Ông Phát phân vân, ông có quen người Mỹ nào ở quanh đây đâu, sao lại có Mỹ đến nhà? Hay là Ông Clark, cố vấn cũ đến thăm? Ông mở cửa bước ra.

Tim mặc bộ quân phục đại lễ, đội nón casket, giầy đánh bóng lộn, hai tay bưng một chiếc gối nhỏ trên đó có một cái hộp gói giấy hoa. Anh tự giới thiệu bằng tiếng Việt khá sõi:
- Tôi là Tim Smith, bạn của ông Tiến ở Queen City. Ông Tiến nhờ tôi mang đến cho ông một món quà Xuân.
Ông Phát cảm ơn rồi mời Tim vào trong nhà. Tim chuyển cái gối sang cho ông Phát xong đứng nghiêm chào kính theo lối nhà binh.
- Congratulations! Colonel.
Ông Phát bỡ ngỡ không biết anh chàng Tiến gửi biếu món gì mà trịnh trọng quá vậy. Ông cũng đưa tay chào Tim theo kiểu nhà binh, rồi mời Tim ngồi xuống ghế sofa; nhưng Tim vẫn đứng nghiêm và yêu cầu ông mở gói quà. Ông rụt rè chưa biết tính sao thì bà Phát đứng gần đó nói:
- Thì ông cứ mở xem chú Tiến gửi cho cái gì.
Ông Phát bóc lớp giấy hoa bọc ngoài cái hộp nhỏ. Hai tay ông run run mở hộp. Mắt ông chợt sáng lên khi nhìn thấy tấm huy chương. Một cảm giác bâng khuâng len vào tâm tư. Những ký ức xưa cũ chợt hiện lên trong trí, hình ảnh những trận chiến oai hùng của đơn vị như nổ bùng trong ông. Từng khuôn mặt bạn bè, chiến hữu, thuộc cấp đã anh dũng ngã xuống vì những viên đạn đồng vô tri của giặc thù để bảo vệ nền tự do dân chủ của Miền Nam trong suốt 20 năm chiến đấu lần lượt trở về trước mặt ông. Mắt ông nhoà lệ...

VŨ UYÊN GIANG
Charlotte, North Carolina
Tháng 12/2002