-->
Đọc Sách Trên Đường Biên Giới
của Vũ Uyên Giang
Đông Anh
Trong một buổi trưa giữa mùa thu, anh Phan Bá Thùy Dương cùng đi với anh Vũ Uyên Giang đến thăm Cơ Sở Lạc Việt tại San Jose . Nhân dịp này anh Vũ Uyên Giang đã ký tặng cho cá nhân tôi cuốn sách của anh do nhà xuất bản Đất Sống mới tái bản năm 2007. Cuốn Trên Đường Biên Giới mà anh gọi là Tập truyện. Sở dĩ gọi là tập truyện vì sách gồm 12 truyện kể. Phần đông truyện kể đều viết về tình bằng hữu với những kỷ niệm xưa lúc còn huy hoàng hay khi đã long đong trong lao cải.
Phần 13 là Những Bài Thơ Rời phần nhiều là xướng họa về những chuyện cũ hoặc mới sảy ra bên ly rượu trong tiêm ăn do anh làm chủ ở San Leandro .
Vũ Uyên Giang là Sĩ Quan QLVNCH phục vụ trong ngành quân báo. Trước đó anh là ký giả viết cho một số báo nổi danh tại Sài Gòn. Mất nước anh cũng đi tù rồi cũng vượt biên tìm tự do. Khi vượt biên đến Thái Lan, vốn là nhân viên tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn trước năm 1975 nên anh được thâu nhận vào làm việc cho tòa đại sứ Mỹ tại đây, đảm trách công việc phỏng vấn tù binh Cộng Sản Việt Nam bị bắt ở Kampuchia. Duyên số như vậy nên anh mới có cơ hội gập gỡ Lý Tống, gặp gỡ một số quân nhân QLVNCH trong các trại tỵ nạn Thái Lan, những người đang khao khát mong ngày giải phóng quê hương.
Truyện chính trong tập truyện này là Trên Đường Biên Giới, tựa đề của sách. Trong lời mở đầu anh đã viết như sau: “Đây là một câu chuyện có thật xảy ra vào thời gian năm 1982 tại vùng biên giới Thái-Miên, Aranya Prathet. Tác giả sống ở vùng này một thời gian ngắn và đã trực tiếp chứng kiến nên ghi lại trong truyện như những giòng hồi tưởng một quãng đời đã qua, để nhớ những người bạn đã gặp trên bước đường lưu lạc. Tên các nhân vật trong truyện đều là những người có thật mà tác giả có dịp được găp.”
Chuyện có thật là những chuyện gập gỡ và phỏng vấn các sĩ quan hoặc nhân viên thuộc VNCH ngày trước, chuyện đi tìm và giải cứu Lý Tống, chuyện những cán binh Việt Cộng bị bắt ở Kampuchia, chuyện người Mỹ trong tòa đại sứ tại Thái v. v...
Nhân vật có thật là những người làm việc cùng lãnh vực như Thạch Thom, như Larry, như Nguyễn Văn Minh một người Mỹ tên Việt, nói tiếng Việt rành rẽ, những người trong trại tỵ nạn, những bộ đội cộng sản Việt Nam như Bùi Văn Tranh. Nhờ có Bùi Văn Tranh mà sự liên lạc giữa Lý Tống ở trong tù và tác giả thêm mật thiết. Như đại tá Tong Den đơn vị 506, người rất ghét Lý Tống. Đặc biệt là chuyện kể về Lý Tống với những chi tiết khá thú vị. Những bức thư và những bài thơ trao đổi giữa Lý Tống với Vũ Uyên Giang. Truyện Trên Đường Biên Giới được kết thúc bằng lá thư của Lý Tống sau khi vượt thoát trại giam Thái Lan trên đường tìm tự do. Bức thư đề ngày 14 thâng năm 1983 tại Galang.
Mười một truyện khác ghi lại những kỷ niệm với bạn bè như Một Thoáng Kỷ Niệm viết về Dương Hùng Cường trong trại cải tạo. Truyện Món Quà Cuối Năm là chai rượu bách nhật do mẹ gửi vào tù được ngụy trang dưới hình thức chai nước mắm. Nhờ có chai rượu nếp than bách nhật mà bữa tiệc cuối năm trong trại Suối Máu ghi sâu trong tâm khảm của tác giả và của các bạn tù.
Truyện thứ tư viết cho kỷ niệm với nhà thơ điên Bùi Giáng bên ly cà phê đen đậm. Nhà thơ nhất định không nhận tên mình là Bùi Giáng mà lấy tên Bàng Giúi, trả tiền cà phê bằng những tờ giấy báo. Ai bảo rằng nhà thơ điên! Điên trong chế độ mới!
Truyện thứ 5 Thương Tiếc viết về Đại úy Nguyễn Thanh Thu, người sáng tác và dựng nên bức tượng nổi danh trên nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Tượng Thương Tiếc. Sau khi giật đổ tượng, kẻ chiến thắng dồn mọi thù vơ oán chạ lên đầu người tạc tượng. Hành cho đến chết, không chết, đổi đi trại khác tiếp tục hành cho đến khi nào ngã gục mới thôi!
Truyện kế tiếp nói lên tình huynh đệ chi binh. Người đi trước bao bọc kẻ đến sau. Người bên Mỹ cưu mang người ở đảo để đem nhau về sống cùng một thành phố có khi cùng sống một nhà, đối xử với nhau chẳng khác chi nhân tình;
Huynh đệ chi binh là gì đó anh hai?
Huynh đệ chi binh là tình cùng chung đời lính...
thương nhau khác chi nhân tình...
Người lưu vong khắc khoải nhớ nhà. Nhớ sông Tiền, sông Hậu. Nhớ ao cá vườn rau. Mơ ước một mùa xuân ngay trên quê hương mình.
Truyện về Nguyễn Bính cùng những kỷ niệm thời còn nhỏ với những vần thơ êm đềm lãng mạn...
Truyện Lạc Vào Cõi Chết rất lạ. Tả một anh chàng say rồi ngất sỉu phải đưa vào nhà thương, từ đó anh như mộng du, hồn lang thang khắp đó đây. Hồn đến thăm người tình và chợt nhớ lại từ tiềm thức những lời nỉ non dặn dò: “Sao anh thương em nhiều quá vậy? Có thật là anh thương em còn hơn thương cả chính thân anh không? Sao anh dại quá vậy? Sao anh không nói gì với em vậy? Anh hứa chờ em 30 năm mà sao anh đòi chết? Đừng chết nghe anh!...”
Thế là chàng nhập lại vào xác mình, ngồi dậy dưới con mắt ngơ ngác của bác sĩ và y tá.
Truyện nặng phần triết lý. Triết lý về con người, về tình yêu, về cuộc sống...
Truyện thứ 9 nói về một cuộc nhập ngũ Hải Quân bất thành vì thiếu cân lượng. Thôi không làm kình ngư lướt sóng thì ta đành đi bộ vậy thôi. Tác giả nhập ngũ và học tại Trường Bộ Binh Thủ Đức, ra trường với cấp bậc Chuẩn úy. Đi bộ binh, ngành Quân báo. Sau cuộc đổi đời Tháng Tư năm 75 thì Hải Quân hay Lục Quân cũng về một mối trong trại tập trung để nghe như nghìn tấn đá ở trong lòng!
Truyện Đợi Chờ hình như rất hiếm xảy ra trên cõi đời này, hay lại là rất thường xuyên sau cuộc đổi đời 1975. Người chồng bị vợ đưa vào mê hồn trận. Bạn trai của vợ nhảy với nàng nhiều nhất trong ngày cưới. Bạn trai đóng vai anh họ đến thăm nơi hai vợ chồng cư ngụ và họ cùng nhau cuốn gói ra đi. Người chồng vẫn ở căn nhà cũ, vẫn giữ hình ảnh kỷ niệm xưa và có một điều rất lạ là chàng vẫn mong nàng trở lại.
Truyện kế tiếp là Món Quà Xuân Vô Giá cũng kể chuyện về tình huynh đệ chi binh. Người chiến hữu nhớ cấp trên trong những buổi sáng mùa đông, trong những độ xuân về trên dất khách để ôn lại chuyện xưa. Ngồi đây mà nhớ:
“Vang súng đạn thù trên trận tuyến.
Sa trường binh lửa nặng oằn vai.”
để tiếc buổi huy hoàng. Tiết tháng Chạp đến ông Tiểu đoàn trưởng ngày xưa đang ngồi bó gối nhìn trời lạnh lẽo ở quê người thì món quà xuân đưa đến. Mở ra là tấm huy chương Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương của QĐVNCH. Cả quá khứ hiện về. Mắt ông Trung tá Tiểu đoàn trưởng mờ lệ!
Truyện cuối cùng là Một Buổi Sáng Tháng Chín tả về những nỗi kinh hoàng của những người trên đường phố Orlando , Florida khi nhìn hình ảnh hai tòa nhà tháp đôi ở New York bị sụp đổ tan tành. Những suy tư về cuộc sống, về sự phồn thịnh chuyển sang những ý nghĩ về khũng bố, về tang hoang. Một tháng Chín buồn.
Phần sau cùng là những bài thơ rời ghi lại những đoạn đường in dấu bước chân đi. Từ Tây Ninh, Hậu Nghĩa rồi đến những bước chân sa vào chốn tù đầy. Từ Hóc Môn ra Tân Cảng, lên tàu xuôi Nam ra Phú Quốc. Từ Long Giao về Suối Máu v.v...
Lại có những bài thơ về thăm cảnh cũ người xưa. Vài ba bạn hữu họp nhau uống rượu làm thơ tại San Leandro , Bắc California là cơ sở kinh doanh của Vũ Uyên Giang. Các bài thơ đều có bài họa của thi sĩ Hà Thượng Nhân. Bài xướng cùng bài họa thật bồi hồi xúc động.
Thơ Văn là người. Người viết thơ văn đem cả nỗi lòng mình đặt vào với văn chương, đôi khi đem cả cuộc đời mình trao trong đó. Vũ Uyên Giang, dù viết một đoạn đường đi ngắn những vẫn đầy đủ cả cuộc đời. Anh nặng tình với anh em. Huynh đệ chi binh được đề cao tuyệt đối. Anh cũng có lòng nhân ái với mọi người do vậy hơi cả tin nên đoạn đường đi thêm gập ghềnh khúc khuỷu. Nhưng có gian truân mới biết tay tài trí, có nguy khốn mới biết kẻ anh hùng.
Cuốn sách Trên Đường Biên Giới cũng không phải là cuốn đầu tiên của Vũ Uyên Giang. Cuốn đầu tiên là tập truyện Trên Đỉnh Tình Buồn xuất bản năm 1971. Mới đây anh viết chung với nhà văn Hồ Nam cuốn 100 Khuôn Mặt Văn Nghệ Sĩ tập 1.
Tôi không phải là người phê bình sách, Tôi chỉ là người đọc sách, tôi yêu cách viết truyện của anh, thấy sách hay thì giới thiệu đôi hàng cho mọi người cùng đọc. Bạn đọc cũng có thể tìm thấy những đoạn đường, những kỷ niệm cùng với tác giả, ấy là điều quý hóa vô cùng.
Đông Anh