THƠ VIẾT BÊN ĐỜI
thơ vũ uyên giang 2021
Xin chân thành cám ơn các bạn hữu đã khuyến khích, giúp đỡ và yểm trợ tinh thần để Tập Thơ truyện này được hình thành.
Thơ Viết Bên Đời
Tập thơ của VŨ UYÊN GIANG & MINH TÚ ÁI GIANG
Xuất bản tại Hoa Kỳ lần thứ Nhất năm 2020
Tác giả giữ bản quyền ©
Đánh máy, layout và trình bày: Chính Nhân
Bìa BÙI GIA NAM ĐỊNH
Copyright © 2020 by Vũ Uyên Giang and Minh Tú Ái Giang
ISBN# 0718910218803
All graphic are originals and are the property of
Vũ Uyên Giang and Minh Tu Ai Giang
Please do not copy or use without permission from the author.
Thank you for respecting the writer.
SÁCH CỦA VŨ UYÊN GIANG ĐÃ IN
-Đi Trên Đỉnh Buồn (Tập truyện 1971 – Việt Nam)
Thời Hoa Niên – Truyện dài viết feuilleton cho Nhật báo Hòa Bình 1967 – bản thảo đã bị mất
-Trên Đường Biên Giới – Văn Tuyển xuất bản Hoa Kỳ 1999
-100 Khuôn Mặt Văn Nghệ Sĩ – Vũ Uyên Giang - Hồ Nam Đất Sống xuất bản 2006
-Trên Đường Biên Giới – Đất Sống tái bản năm 2007
-Chiến Trường Xưa – Thơ – Đất Sống 2008
-Nét Hoa Tường Cũ – Tuyển tập Thơ Văn của Vũ Uyên Giang và Minh Tú Ái Giang – Đất Sống xuất bản 2014
-Phi Vụ Bí Mật Trên Đất Thái Lan 2020
-Thơ Viết Bên Đời 2020 Tuyển tập Thơ Văn của Vũ Uyên Giang và Minh Tú Ái Giang
-Tập truyện ngắn Ngựa Què của Vũ Uyên Giang
-Trong Lòng Địch – Truyện dài Tình báo – Vũ Uyên Giang
THƠ VIẾT BÊN ĐỜI
Tuyển tập thơ văn
Vũ Uyên Giang
Minh Tú Ái Giang
Vũ Uyên Giang tên thật là Nguyễn Quang Vinh, cựu ký giả của nhật báo Miền Nam do ông Trần Đình Thân làm Chủ nhiệm (1965-1966) và Hoà Bình do Linh Mục Trần Du làm Chủ nhiệm (1966-1968). Sĩ Quan Trừ Bị QL VNCH phục vụ trong ngành Quân Báo (1968-1973). Sau khi giải ngũ Tháng 2/1973, là nhân viên Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài gòn (1973-1975). Tù nhân trong các trại tù của cộng sản (1975-1981).Vượt ngục và vượt biển tìm tự do đến Thái Lan 1981. Nhân viên Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Bangkok, Thailand (1981-1983). Sinh viên Trường Đại Học Cộng Đồng Wilbur Wright College tại Chicago, Illinois (1983-1986). Chủ bút Chicago Việt Báo (1986-1987). Chủ nhiệm và Chủ bút Nguyệt san Thời Việt tại Chicago (1987-1992). Chủ nhiệm và Chủ bút Tạp chí Đất Sồng tại Charlotte, North Carolina và Florida (1999-2002). Chủ nhân cơ sở Thương mại AN HÒA Inc. tại Charlotte, North Carolina và San Leandro, CA (1993-2007). Chủ trương nhà xuất bản Đất Sống 2006. Về hưu kể từ Tháng 6/2007 hiện cùng gia đình cư ngụ ở Hoa Kỳ
|
Minh Tú Ái Giang
Quê quán: Quận Bến Cát, Tỉnh Bình Dương Trước 1975: Nữ sinh Trưng Vương, Saigon 1980: Định cư ở Hoa kỳ -Tốt nghiệp Cử Nhân Hóa Học tại University of North Carolina at Chapel Hill. -Tốt nghiệp Kỹ sư Điện toán tại North Carolina State University -Tốt nghiệp Master in Computer Science tại North Carolina State University. -Hiện đang là Công chức Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho đến ngày nay. Cùng phu quân Vũ Uyên Giang đang sinh sống ở Hoa Kỳ |
Phần 1:
Thơ Vũ Uyên Giang
CHÂN IN DẤU GIÀY
Chiến trận tràn sang trên đất Miên (1)
Giày saut dẫm nát ᴄỏ Svay Rieng (2)
Mấy thằng Việt cộng như đàn ᴠịt
Chạy trốn đầy đồng như lũ điên
Thiết giáp hàng ngang bắn cộng quân
Bộ binh tùng thiết sát theo chân
Chiến trường vang tiếng bom và pháo
Hăm hở đi theo những chiến đoàn (3)
Móc Câu, Mỏ Vẹt Phân khu 2
Bắt sống Hai Thanh giặc chạy dài (4)
Sáu Mẹo cuống cuồng trong bệnh viện (5)
Dấu gày chinh chiến chẳng hề phai
Một thuở tung hoành trận mạc xa
Ngả lưng lữ quán ngỡ đâu nhà (6)
Neak Leoung dừng bước bên phà vắng
Chân bước ngang tàng xứ sở kia
VŨ UYÊN GIANG
Khi theo chiến đoàn 333 Biệt Động Quân hành quân sang Kampuchia năm 1970
GHI CHÚ:
(1)Năm 1970 QLVNCH đồng lᴏạt tấn công sang Kampuchia để triệt hạ các căn cứ địa của VC trú đóng dọc biên giới Việt- Miên.
(2) Tỉnh Svay Rieng của Kampuchia giáp ranh các Tỉnh Tây Ninh, Long An và Kiến Tường của VNCH.
(3) Các Chiến đoàn thuộc Quân Đoàn III tham dự cuộc hành quân vượt biên gồm: Chiến đoàn 225(thuộc Sư đoàn 25BB), Chiến đoàn 318 (thuộc Sư đoàn 318BB) và Chiến đoàn 333 Biệt Động Quân
(4) Trung tá Hai Thanh, Tư Lệnh Phân Khu 2 cua VC thuộc Quân khu I. 4 VC (VC chia Saigon, Chợ Lớn, Gia Định và các vung phụ cận thành 10 Phân Khu. Phân Khu 2 gồm Long An và vùng phụ cận Saigon; Phân Khu 6 gồm Saigon, Chợ Lớn và Gia Định)
(5) Sáu Mẹᴏ, Báᴄ ꜱĩ thủ trưởng của Bệnh viện Phân Khu 2 trú đóng ở Mỏ Vẹt.
(6) Khi dừng quân trong đêm, BCH Chiến đoàn 333BĐQ đã đóng quân trong 1 Bangalow ở Svay Rieng.
TRÊN PHỐ BANGKOK
Lang thang trên đất xứ người
Thailand chân bước lạc loài tha hương
Loanh quanh cũng vẫn phố phường
Dòng xe như nước trên đường ngược xuôi
Nhìn nền kinh tế nước người
Bỗng nghe một thoáng ngậm ngùi thương quê
Cộng quân cai trị ê chề
Tập trung cướp sạch, gom về bắc phương
Đánh tư sản, triệt mọi đường
Ngăn sông cấm chợ thảm thương dân tình
Khiến cho đời sống điêu linh
Tự do mất hết phải đành ra đi
Quê hương giã biệt sinh ly
Đánh đổi sinh mạng chỉ vì tự do
Biển kia hung hiểm sóng to
Bao nhiêu tàu lớn làm ngơ không nhìn
Trăm ngàn thân xác đắm chìm
Vùi thây biển dữ vẫn tìm bến mơ
Đường hầm cuối nẻo mong chờ
Trại giam đất Thái vật vờ xác thân
VŨ UYÊN GIANG
Trên đường phố Bangkok tháng 1/1982 nghĩ đến đồng bào tị nạn Việt Nam còn đang bị giam giữ ở Sikiew Detention Camp
TRỞ LẠI BANGKOK
Ta trở lại thăm xứ Thái Lan
Phrakeo chùa cổ. nắng phai tàn
Chói chang sắc thắm trong chiều vắng
Rộn rã trên sông cá quẫy đàn
Bangkok thưở nào ta ở đó
Lang thang trên phố nhớ quê nhà
Chỉ thấy thời gian màu cỏ úa
Vẫn là lối cũ vẫn đường xua
Thăm vùng du lịch Pattaya
Khoe sắc trên đường bao khách qua
Vẻ đẹp nghiêng thành cô gái trẻ
Chỉ là cải giống đứng lia chia
Từ giã Thailand thêm lần nữa
Khi nào có dịp ghé nơi đây
Mắt lòa chân chậm không còn cửa
Chỉ thấy trong hồn vương áng mây.
VŨ UYÊN GIANG
Bangkok 1999 - Khi đi du lịch 5 nước Á châu
KHI Ở ĐÀI BẮC (1)
Phi cơ hạ cánh xuống Đào Nguyên (2)
Nhìn Phật Quang Sơn dáng nét quen (3)
Làng cổ Thập Phần hồng gạch đỏ (4)
Minh Sơn hoa rực chốn thần tiên (5)
Đài Trung cảnh sắc sương mênh mông (6)
Nhật Nguyệt Đàm mây tỏa sắc hồng (7)
Long Hổ lối ra ngay miệng hổ (8)
Xuân Thu đến ngắm tượng Quan Công (9)
VŨ UYÊN GIANG
Đài Loan 1999- Khi du lịch 5 nước Á Châu
(1) Đài Bắc (Taipei 臺北市; bính âm: Táiběi Shì,) nằm cực Bắc của Đài Loan, cạnh bến sông Đạm Thủy cách Cảng Cơ Long (sông Cơ Long (基隆河) khoảng 25kms.
(2) Phi trường Đào Nguyên (Tao Yuan)
(3) Phật Quang Sơn có tượng Phật cao nhất thế giới 108 mét
(4) Làng cổ Thập Phần ở Đài Bắc sạch như lau toàn gạch đỏ
(5) Đường Minh Sơn, nơi có hoa đẹp nhất Đài Bắc.
(6) Đài Trung (Tai Chung) là vùng cao nguyên của Đài Loan
(7) Nhật Nguyệt Đàm (Đầm Nhật Nguyệt) là một đầm nước lớn ở Đài Trung, có phong cảnh rất đẹp.
(8) Tháp Long Hổ ở Cao Hùng có hai ngọn tháp; lối vào phải chui vào hàm rồng và khi ra sẽ ra bằng miệng hổ.
(9) Ở Xuân Thu có tượng Quan Công thật lớn.
KHI Ở HONGKONG
Hương Cảng chung quanh biển nhấp nhô
Ta lang thang dạo gót giang hồ
Hồn lênh đênh giữa trời mây nước
Quê cũ đã chìm trong khuất xa
Người chen chân giữa phố Saigon (1)
Ta đến góc đường tên Hải Phòng
Một chợ chuyên bán hàng cẩm thạch
Người mua kẻ bán rộn ràng đông
Xuống Kim Sa Chuỗi quán bình dân (2)
Sực nức mùi thơm của thức ăn
Quay về bái Phật trên vùng núi (3)
Thanh thản trôi đi chút bụi trần.
VŨ UYÊN GIANG
HongKong 1999- Khi du lịch 5 nước Á Châu
(1)Ở HongKong có tên 3 con đường là Saigon Street, Hanoi Road và HaiPhong Road
(2)Khu Kim Sa Chuỗi ở Cửu Long (Kowloon) bán thức ăn rất ngon.
(3)Tượng Phật Thiên Tân trên núi ở HongKong
KHI Ở SEOUL, NAM HÀN
Chân bước lang thang đất nước xa
Hoàng Cung dấu vết của ngày xưa (1)
Bâng khuâng lịch sử bao đời trước
Biến đổi vần xoay chẳng nhạt nhòa
VŨ UYÊN GIANG
Seoul, Nam Hàn 1999, khi đi du lịch 5 nước Á Châu
(1)Hoàng Cung cũ của Nam Hàn
KHI Ở SINGAPORE
Đảo nhỏ quanh co phố ngút cao
Mênh mông sóng nước mây xôn xao
Tân Gia Ba xứ thần tiên đó
Nỗi nhớ quê xưa vẫn dạt dào.
VŨ UYÊN GIANG
Singapore 1999 – khi đi du lịch 5 nước Á Châu
NGƯỜI ĐI
Người đi một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.
(Những Giọt Lệ - Hàn Mặc Tử)
-Viết theo tâm sự của một người bạn có vợ bỏ đi.
Người đã đi rồi ta ở đây
Gió thu heo hút mảnh vai gầy
Trăm năm thề ước như là bụi
Hồn vỡ theo từng cánh lá bay
Người qua bên ấy trăng hờ hững
Bỏ lại sau lưng nỗi nhớ mong
Hoài niệm chôn vùi sâu đáy mộ
Nỗi niềm thương nhớ cũng là không
Những giọt sầu vương trong đáy ly
Mềm môi chất ngất nỗi sầu bi
Xa xôi chốn ấy vui tình cũ
Gian dối rơi đầy trên lối đi
Quê cũ cũng đành ly biệt mãi
Nẻo về xa khuất tận chân mây
Là thôi như cánh bèo trôi dạt
Vui với đời ta dăm chén say
Quan hà đã thẹn thân bại trận
Tủi hận cuối đời những đắng cay
Tóc bạc ôm hờn nơi viễn xứ
Thôi đành giã biệt gió cùng mây
Người đi buổi ấy thôi là hết
Giọt lệ lăn dài trên khóe mi
Người đi ngày ấy tan thề ước
Một thuở ngại ngùng trăng biệt ly
VŨ UYÊN GIANG
Bonaire, Georgia Nov. 21, 2019
NHƯ GIỌT SẦU VƯƠNG
Rồi cũng bay vèo như cát bụi
Ngày qua thầm thũi nỗi buồn trôi
Mảnh trăng ngày cũ không là hẹn
Gian dối nở hoa trên đóa môi
Hàng cây ủ rũ khóc ly tan
Trời cũng rơi mưa nhỏ lệ hàng
Chao ơi hẹn cũ không còn ước
Một bóng thầm đi dưới ánh trăng
Nghe tiếng đêm dài chậm rãi rơi
Thời gian hờ hững nỗi bồi hồi
Ta vui với bóng trên tường vắng
Tíc tắc thời gian lặng lẽ trôi
Phòng không nhà vắng chó tru đêm
Như giọt sầu vương ở trước thềm
Ngõ trúc không nghe chim hoảng hốt
Lạc đàn ngơ ngác gợi buồn thêm
Một đi là đã bước sang ngang
Thôi hết không còn những tiếng than
Trăm năm hẹn ước bay theo mộng
Vỡ vụn tan thành gió thở than
VŨ UYÊN GIANG
Bonaire, Georgia Oct. 22, 2019
EM ĐI
Em đi nơi đó phương trời xa
Héo hắt niềm thương nhớ nhạt nhòa
Quê cũ đắm chìm trong ngục đỏ
Một trời kỷ niệm tháng ngày qua
Vẫn nhớ vỉa hè phố xá đông
Xôn xao ngõ vắng áo ai hồng
Guốc mộc khua trên thềm đại lộ
Cho người lính chiến mãi chờ mong
Từ giã Sài gòn những phố quen
Ra đi khi phố đã lên đèn
Theo chân người trước vào sưong gió
Ôm súng rừng sâu thức trắng đêm
Lính trận xa nhà nhớ dáng em
Một trời hoa mộng thuở thần tiên
Mang theo hình bóng người em gái
Ở chốn hậu phương, nhung nhớ thêm
Anh ở nơi này, em về quê
Cõi lòng trống vắng buồn lê thê
Trắng đêm thao thức niềm tâm sự
Rồi cũng phai tàn nỗi ủ ê.
VŨ UYÊN GIANG
Bonaire Nov. 8, 2019
NGẮM TẤM HÌNH XƯA
Ký ức từ đâu lại trở về
Một trời kỷ niệm thuở xa quê
Thời gian như bóng câu qua cửa
Hạt bụi nào cho ta tái tê?
Mẹ đà khuất bóng về phương tây
Hình ảnh vẫn còn lưu lại đây
Giá buốt trong tim hình bóng mẹ
Chao ơi giọt lệ đã dâng đầy
Ngày xưa theo mẹ đến thành Nam (1)
Ngọn gió heo may rụng lá bàng
Con cóc còn rong chơi thuở trước (2)
Bãi than máy sợi con lang thang (3)
Bến Thóc nhà ta có mấy căn (4)
Giặc vào cướp sạch thật gian tham (5)
Mẹ con bồng bế vào Nam sống
Bỏ hết cơ đồ mấy chục năm
Lũ cộng nô kia quá bất nhân
Giết người, cướp nước, gây lầm than
Tịch thu đấu tố bao dân chúng
Vét hết vơ cùng thỏa máu tham
Ngắm nhìn tấm ảnh của ngày xưa
Mới thấy thời gian phủ bóng mờ
Mới thấy kiếp người sao ngắn ngủi
Mẹ ơi! Con đã già hơn xưa.
VŨ UYÊN GIANG
Bonaire, GA Tháng 11 năm 2019
(1) Thị xã Nam Định
(2) Vườn hoa con cóc Nam Định
(3) Nhà máy sợi Nam Định
(4) Khu Bến Thóc
(5) Năm 1954 khi VC vào tiếp thu Nam Định đã cướp sạch
TRĂNG LẠNH ĐẦU NON
Mảnh trăng lơ lửng trên đầu núi
Gió khẽ đong đưa những nhánh cây
Đếm bước âm thầm con phố cũ
Lòng như còn vướng chút heo may
Cơn lạnh tối qua mang giá rét
Thổi vào quạnh quẽ buổi chiều nay
Ta nghe như đã buồn như thể
Xơ xác vàng thu tuổi đã gầy
Một thuở nào xưa đã rất xa
Ta mang hoài bão những ngày qua
Năm tháng trôi vèo như cát bụi
Nẻo về mờ mịt, bỗng dưng già
Đầu núi chim kêu tiếng óan than
Khóc đời phiêu bạt mãi lang thang
Cũng chỉ như cành khô gỗ mục
Đầu non trăng lạnh đón thu sang
VŨ UYÊN GIANG
Bonaire, Nov. 15, 2019
MƯA THU
Giọt mưa tí tách bên song thưa
Hoa cúc bừng lên gió chuyển mùa
Bông giấy rộn ràng khoe sắc thắm
Lá vàng rơi rụng bay trong mưa
Thu đến cho hồn thêm quạnh quẽ
Vàng thu mấy độ úa u buồn
Lang thang ngõ cũ vùi tâm sự
Phòng vắng nhà không tủi ngập lòng
Từng hạt mưa rơi như oán hờn
Gió se se lạnh rít từng cơn
Cho ta gửi những giòng u uẩn
Về chốn quê xưa dạ héo hon
Từ thuở xa quê tràn lệ héo
Nhìn về cố quốc những lầm than
Tà quyền một lũ người hung bạo
Bán đất cha ông thỏa máu tham
Thu đến cho ta nặng trĩu buồn
Hạt mưa thánh thót lệ rơi tuôn
Chao ơi! Tiếng vọng từ sâu thẳm
Càng khiến cho lòng lặng lẽ hơn.
VŨ UYÊN GIANG
Bonaire, Oct. 31, 2019
CUỘC ĐỜI NHƯ GIÓ THOẢNG MÂY BAY
Mùa xuân này nữa vẫn xa quê
Ba chín năm qua quá não nề
Lưu lạc bên trời thân lữ thứ
Tha phương đất khách thật ê chề.
Ra đi khi tuổi còn tươi trẻ
Thoắt chốc nhìn ta bỗng đã già
Mái tóc bạc phơ đời gió bụi
Tấm thân hiu quạnh nhớ quê xa.
Quê cũ không là quê cũ nữa
Đổi thay dâu bể đến không ngờ
Đi tìm kỷ niệm ngày xưa đó
Chỉ thấy mờ xa trong giấc mơ.
Ngồi nghe tin bạn về miên viễn
Chán cảnh hồng trần lên cõi tiên
Quanh quất đâu đây trăng lẻ bạn
Một mình gặm nhấm những ưu phiền
Cái vòng luẩn quẩn trò sinh, tử
Chẳng thoát một ai cõi tạm này
Hãy cứ vui cùng cây với cỏ
Cuộc đời như gió thoảng mây bay.
VŨ UYÊN GIANG
Ngày 1 Tết Canh Tý
NHỚ MẸ
高堂明鏡悲白髮,
朝如青絲暮成雪?
“Cao đường minh kính bi bạch phát,
Triêu như thanh ty mộ thành tuyết.”
Dịch:
Cha mẹ soi gương buồn nhìn tóc bạc
Sáng còn xanh mượt, tối đã trắng như tuyết.
(Thương Tiến Tửu 將進酒 – Lý Bạch - 李白)
***
NHỚ MẸ
Con mất Mẹ nên đời con đau khổ
Ngồi một mình con nhớ thuở xa xưa…
“…Rời quê hương, cơ cực mấy cho vừa (1)
Xa chốn cũ vào Nam tìm đất sống
Trên sóng lớn bao la trời biển rộng
Bốn mẹ con mong mỏi chút tự do
Trôi lênh đênh trên biển rộng hải hồ
Và tạm trú lều di cư Phú Thọ
Cuộc sống mới với những ngày sau đó…”
Nhớ về Mẹ con mắt lệ đầy vơi
Ôi Mẹ ơi! Giờ con mất mẹ rồi
Bóng hình Mẹ làm sao con tìm được?
Ở cõi Phật trên cao vui chân bước.
Mẹ! Mẹ ơi! Thanh thản chốn bình yên
Hãy dốc tâm rũ bỏ mọi ưu phiền
Vui kinh kệ cùng tiếng chông, tiếng mõ.
Với tâm thành giúp chúng sinh phổ độ
Me! Mẹ ơi! Con nhớ Mẹ nghìn đời.
VŨ UYÊN GIANG
(Bonaire, GA 29/4/2020)
TƠ TRỜI MONG MANH
“落絮遊絲亦有情,
隨風照日宜輕舉。
Lạc nhứ du ty diệc hữu tình,
Tuỳ phong chiếu nhật nghi khinh cử.
Bản dịch của Nhượng Tống:
…Tơ hồng cũng vẻ hữu tình
Nắng soi gió thổi cất mình bay cao…”
(Bạch ty hành 白絲行 - Đỗ Phủ 杜甫)
***
TƠ TRỜI MONG MANH
Nhìn sợi tơ trời vơ vẩn bay
Cành trúc la đà trong gió lay
Lãng đãng, bồng bềnh như sóng bạc
Tơ chìm theo gió, lẫn trong mây.
Ta ở phương này lưu lạc xứ
Mơ thành mây trắng lại quê xưa
Được sống dăm ngày nơi chốn cũ
Sài gòn thuở trước đẹp như mơ.
Tóc trắng bạc màu như khói sương
Ta nghe mù mịt những con đường
Lối về xa lắc bao giờ thấy?
Chỉ tiếng thời gian lặng lẽ buông.
Tuổi tác đã nghe buồn ảo não
Ngày dài thê thiết nỗi buồn trôi
Chao ơi là nhớ con đường cũ
Rợp bóng hàng me ngả bóng thôi.
Tơ trời ai biết về đâu nữa?
Để lại mình ta giữa chốn này
Mắt lệ đã nhòa trong nỗi nhớ
Ta thấy mơ hồ trong giấc say.
VŨ UYÊN GIANG
Bonaire, GA 30/4/2020
NGỒI NHÀ NGHĨ ĐẾN EM
(Tặng Minh Tú Ái Giang)
川途去無限,
客思坐何窮。
Xuyên đồ khứ vô hạn,
Khách tứ toạ hà cùng.
(Bạch Đế thành hoài cổ 白帝城懷古 - Trần Tử Ngang 陳子昂)
Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu
Dằng dặc đường sông nước
Ngồi thuyền khách nghĩ xa
***
NGỒI NHÀ NGHĨ ĐẾN EM
Cấm cố ở nhà nghĩ đến em
Trong mùa đại dịch chẳng hề yên
Chỗ làm em có an không nhỉ?
Tin tức làm anh lo lắng thêm
Kẻ địch vô hình gieo ác mộng
Tràn lan thế giới nỗi kinh hoàng
Mỗi ngày con số càng thêm lớn
Hoảng hốt con người tim vỡ tan.
Cẩn thận em ơi mùa dịch tàu
Ra đường phải ngó trước dòm sau
Giữ cho khoảng cách luôn 6 feet
Phải giữ bàn tay rửa sạch lau.
VŨ UYÊN GIANG
(Bonaire, GA 30/4/2020)
NGÀY MẸ XA CON
母別子,子別母,
白日無光哭聲苦。
Mẫu biệt tử, tử biệt mẫu,
Bạch nhật vô quang khốc thanh khổ.
Dịch:
Mẹ lìa con, con lìa mẹ,
Ban ngày không nắng khóc đau khổ.
(母別子 Mẫu biệt tử 母別子 • Mẹ lìa con - Bạch Cư Dị 白居易)
***
NGÀY MẸ XA CON
Ngày mẹ xa lìa cõi thế gian
Lòng con đau khổ khóc ly tan
Mẹ ơi đời vốn vô thường thế
Không sắc, sắc không chuyện rõ ràng
Con vẫn biết là sinh, trụ, diệt
Chao ôi! Mất Mẹ rất là đau
Chúng sinh vạn kiếp qua đi hết
Một cõi ta bà biết đến đâu?
Nhập thế một đời lo tu học
Tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng từ bi
Trăm kinh, nghìn quyển làu thông suốt
Mẹ dắt dìu con, mở lối đi
Mẹ đã lìa xa lũ chúng con
Mẹ ơi! Nước mắt cũng lưng tròng
Mẹ về cõi Phật xa xôi đó
Con vẫn ngồi đây ngóng mắt trông.
Ngày Mẹ xa con, mắt lệ mờ
Chao ơi con cứ ngỡ trong mơ
Hành hương Mẹ đến dăm chùa khác
Đâu biết Mẹ đi cõi mịt mờ.
VŨ UYÊN GIANG
(Bonaire, GA May 1st, 2020)
NGHĨ LÚC TUỔI GIÀ
少壯幾時奈老何,
向來哀樂何其多。
Thiếu tráng kỷ thì nại lão hà,
Hướng lai ai lạc hà kỳ đa.
Dịch:
Người trai trẻ đến khi già cả,
Nghĩ buồn vui sao đã mau qua.
(Mỹ Bi hành 渼陂行 – Đỗ Phủ 杜甫)
***
NGHĨ LÚC TUỔI GIÀ
Thắm thoát thời gian như bóng câu
Cái già phút chốc đến càng mau
Sao vừa mái tóc lưa thưa bạc
Ngoảnh lại chao ơi bạc trắng đầu
Đã quá bẩy mươi, gần tám chục
Nghĩ mình còn ở tuổi thanh niên
Vẫn lái xuyên bang xe đông đúc
Đâu ngờ cơ thể mỏi liên miên
Mới biết khi già xe tuột dốc
Tuổi càng cao sức cũng lao nhanh
Lại thêm bệnh hoạn cùng đau nhức
Hành hạ liên miên chẳng thở than.
Tuổi trẻ đã qua, già đã đến
Cũng đành chấp nhận thế mà vui
Trong mùa đại dịch ngồi yên chỗ
Chẳng phải đi đâu thế cũng rồi.
Mơ ước quê xưa sạch bóng thù
Toàn dân được sống cảnh tự do
Yên tâm nhắm mắt về phương khác
Cũng sẽ an lòng một mối lo.
VŨ UYÊN GIANG
(Bonaire, GA May 1st, 2020)
CHIỀU BUỒN
“黃昏獨立佛堂前,
滿地槐花滿樹蟬。
大抵四時心總苦,
就中腸斷是秋天。
(暮立 Mộ lập - Bạch Cư Dị 白居易
Hoàng hôn độc lập Phật đường tiền,
Mãn địa hoè hoa mãn thụ thiền.
Đại để tứ thời tâm tổng khổ,
Tựu trung trường đoạn thị thu thiên.
Dịch: Chiều một mình
“Trong bóng chiều buông trước Phật đường,
Hoa hoè rụng khắp, tiếng ve rân.
Bốn mùa vẫn chẳng nguôi thương nhớ,
Trời thu man mác thiết tha buồn.”
***
CHIỀU BUỒN
Chiều buồn, nắng tắt hắt hiu thôi
Mây trắng nhẹ trôi đến cuối trời.
Ta ngồi lặng lẽ trong hoang vắng
Mà nhớ hoàng hôn ở một thời.
Nhớ về quê cũ cánh đồng xa
Ruộng lúa mênh mông đến mượt mà
Con trâu nghé ngọ đường tre vắng
Lác đác cánh cò bay vút qua.
Xóm nghèo mái lá, tranh xơ xác
Cũng khiến ai kia bỗng nhớ nhà
Ngọn khói lam chiều vương man mác
Cho lòng lính chiến nhớ phương xa.
Đóng quân trong ấp mấy ngày qua
Hoa cúc nở vàng, em thướt tha
Thoăn thoắt luống hoa em tưới nước
Cho lòng lính chiến ước mơ xa.
Nhớ quá làng quê của thuở xưa
Êm đềm ngọn gió thật hiền hòa
Giặc đến phá tan bao mộng ước
Buổi chiều lặng lẽ, lòng giăng mưa.
VŨ UYÊN GIANG
(Bonaire, GA May 1st, 2020)
HOA CÚC TÀN THU
殘菊
露凝霜重漸傾欹,
宴賞才過小雪時。
蒂有餘香金淡泊,
枝無全葉翠離披。
半床落月蛩聲切,
萬里寒雲雁陣遲。
明歲秋風知再會,
暫時分手莫相思。
Tàn cúc
Lộ ngưng sương trọng tiệm khuynh y,
Yến thưởng tài quá tiểu tuyết thì.
Đế hữu dư hương kim đạm bạc,
Chi vô toàn diệp thuý ly phi.
Bán sàng lạc nguyệt cung thanh thiết,
Vạn lý hàn vân nhạn trận trì.
Minh tuế thu phong tri tái hội,
Tạm thì phân thủ mạc tương ti (tư).
(Tàn cúc 殘菊 • Cúc tàn Tào Tuyết Cần 曹雪芹)
Bản dịch của nhóm Vũ Bội Hoàng:
Móc đọng sương rơi luống phũ phàng,
Chén mừng tiểu tuyết tiết vừa sang.
Cuống vàng nhàn nhạt hương thoang thoảng,
Lá héo lơ thơ nhánh ngổn ngang.
Trăng xế nửa giường sâu rít giọng,
Mây đùn nghìn dặm nhạn thưa hàng.
Thu sau lại hẹn ta cùng gặp,
Tạm biệt xin lòng chớ vấn vương!
HOA CÚC TÀN THU
Hoa cúc trong vườn lúc cuối thu
Trời cao lãng đãng những sương mù
Én kêu xao xác trong chiều vắng
Lá rụng đầy sân, gió mịt mù…
Cúc hoa vàng rực buổi đầu thu
Run rẩy lắc lư đứng dưới mưa
Hoa bướm vui đùa cây với cỏ
Hết mùa ủ rũ buồn thâm u.
Cúc nở, cúc tàn vòng sinh tử
Con người có khác như hoa đâu
Cũng sinh, lão, bệnh rồi sang tử
Tuần tự chu kỳ chẳng khác nhau
Hãy sống hòa mình với tự nhiên
Buông xuôi, hỷ xả lúc sinh tiền
Tránh xa ác nghiệp bao đời kiếp
Tự khắc trong lòng sẽ bình yên.
VŨ UYÊN GIANG
(Bonaire, CA cuối Thu 2019)
HOA CÚC NỞ NHỚ NGÀY XƯA
滿紙自憐題素怨,
片言誰解訴秋心?
Mãn chỉ tự liên đề tố oán,
Phiến ngôn thuỳ giải tố thu tâm?
Dịch:
Mối hận ngấm ngầm đề chật giấy,
Lòng thu giãi tỏ biết chăng ai?
(Vịnh cúc 詠菊 • Tào Tuyết Cần 曹雪芹) (1)
***
HOA CÚC NỞ NHỚ NGÀY XƯA
Ngắm hoa cúc nở rộ trong sân
Mới biết mùa thu đã đến gần
Chợt nhớ những mùa thu thuở trước
Có nàng thu cũ vướng vào chân.
Chợ hoa Nguyễn Huệ nắng xuân sang
Đại đóa nằm bên chậu cúc vàng
Một nhánh gãy ngang trên mặt đất
Vướng giầy lính chiến khiến phân vân.
Áo trận xa nhà lạc chợ xuân
Bóng hồng thấp thoáng tưởng như gần
Khiến cho chiến sĩ lòng như ngỡ
Người đẹp bên hoa đã rất thân.
Từ giã thành đô nỗi nhớ nhung
Mang theo ra chiến trận mông lung
Khói lửa rực trời trên trận tuyến
Tưởng như pháo nổ đón mừng xuân.
Khói lửa bao lần, bao cách biệt
Nàng thu ngày ấy đã sang sông
Lính chiến lạc loài trên phố cũ
Ngẩn ngơ lạc bước, nhớ mông lung.
VŨ UYÊN GIANG
(Bonaire, GA Thu 2019)
(1) Tào Tuyết Cần 曹雪芹 (1715-1763) là một tiểu thuyết gia lớn người Trung Hoa, tác giả của cuốn tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng, một trong tứ đại kỳ thư của văn học cổ Trung Hoa.
NHỚ XUÂN TÂY NINH
春宵一刻值千金,
花有清香月有陰。
Xuân tiêu 春宵
Xuân tiêu nhất khắc trị thiên câm (kim),
Hoa hữu thanh hương nguyệt hữu âm.
Dịch nghĩa:
Đêm xuân, một khắc giá ngàn vàng,
Hoa có hương thơm trong lành, trăng có bóng.
Bản dịch của Nam Trân:
Đêm xuân một khắc đáng nghìn vàng,
Bóng nguyệt êm đềm, hoa thoảng hương.
(Xuân tiêu 春宵 • Đêm xuân - Tô Thức 蘇軾, Tô Đông Pha, 蘇東坡) (1)
***
NHỚ XUÂN TÂY NINH
(Để nhớ đến bạn tôi cố Thiếu úy Nguyễn Viết Tường, Sĩ quan Không Ảnh/ Phòng 2 Tiểu Khu Tây Ninh)
Xuân trước hành quân chiến trận xa
Tây Ninh trong khói lửa nhạt nhòa
Tiểu khu pháo giặc ôi tàn phá
Tiếng súng rền vang trận tuyến xa.
Sang Thái Hiệp Thạnh ta vững bước
Mặt đường lỗ chỗ dấu đạn bom
Việt cộng rình quân ta mặt trước
Đâu dè trúng pháo chết tùm lum
Tính đi Bến Sỏi nhậu lai rai
Giặc cộng đắp mô ở chỗ này
Ghé ngang Cao Xá thăm thằng bạn
Gái Bắc kỳ trông xinh xắn thay.
Mùa xuân tiền tuyến cũng như không
Chiến trận rền vang pháo tiến công
Lũ giặc cuồng ngông vào chỗ chết
Làm bia cho lính bắn không ngừng.
Ngồi nhớ ngày xuân của thuở xưa
Lòng như chùng xuống ngỡ là mơ
Một thời chinh chiến điêu linh quá
Như thế mà thua, quá bất ngờ.
VŨ UYÊN GIANG
Bonaire, GA Xuân Canh Tý 2020
(1) Tô Thức 蘇軾 (1037-1101) tự Tử Chiêm 子瞻, Hoà Trọng 和仲, hiệu Đông Pha cư sĩ 東坡居士, người đời thường gọi là Tô Đông Pha 蘇東坡, thuỵ Văn Trung 文忠, người My Sơn (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Hoa). Ông từng làm quan Thông phán, Thái thú. Cha là Tô Tuân, em là Tô Triệt, đều là các đại gia thi văn, đương thời người ta gọi là Tam Tô.
MẮT LỆ CHO NGƯỜI
(Bài thơ mới tìm được trong thùng sách cũ)
Lệ 淚 • Nước mắt
永巷長年怨綺羅,
离情終日思風波。
湘江竹上痕無限,
峴首碑前洒幾多。
Lý Thương Ẩn 李商隱
Vĩnh hạng trường niên oán ỷ la,
Ly tình chung nhật tứ phong ba.
Tương giang trúc thượng ngân vô hạn,
Nghiễn thủ bi tiền sái kỷ đa.
Dịch nghĩa:
Suốt năm dài ở trong ngõ hẻm, oán giận lụa là
Cả ngày mang mối tình ly biệt nhớ khi sóng gió thuở nào
Trúc trên sông Tương giang biết bao nhiêu vết
Trước bia trên núi Nghiễn rơi bao nhiêu nước mắt
Bản dịch của Chu Thông:
Ngõ vắng năm trường mãi oán xuân
Biệt ly bão táp đã bao lần
Tương Giang trúc có bao nhiêu vết
Nghiễn Sơn bia ấy lệ còn ngân
(Lệ 淚 • Nước mắt - Lý Thương Ẩn 李商隱) (1)
***
MẮT LỆ CHO NGƯỜI
(Tặng bạn tôi nhà thơ Hoàng Lộc)
Ta nghe Vùng I đã lui quân
Hỗn độn kinh hoàng chạy mỏi chân
Giặc kia pháo kích vào dân chết
Ta nghĩ lo cho bạn quá chừng.
Trận chiến xem ra đã đến hồi
Được thua như thể chuyện đùa chơi
Quân ta thiếu thốn bao quân dụng
Đạn dược xăng xe cũng đã vơi.
Cũng bởi Hoa kỳ trò bội phản
Rút cầu, ngoảnh mặt, đâm sau lưng
Một thời ca tụng đồng minh đã
Chiến tuyến tự do quá lẫy lừng.
Tin bọn đồng minh thế mới đau
Giữa đường rút ván lối qua cầu
Còn làm sao được khi tay trói
Hết đạn làm sao ta đánh nhau?
Mong bạn ta rồi sẽ thoát thôi
Bình yên tìm được chỗ an vui
Gia đình hạnh phúc trong đoàn tụ
Để có một đời sống thảnh thơi.
Ta khóc khi nghe chuyện nước non
Buồn cho thiên mệnh chẳng vuông tròn
Chơi trò dâu bể, đời thay đổi
Mắt lệ cho người dạ héo hon.
VŨ UYÊN GIANG
Sài gòn Tháng 3 năm 1975
(1)Lý Thương Ẩn 李商隱 (813-858) tự Nghĩa Sơn 義山, hiệu Ngọc khê sinh 玉谿生, người Hà Nội, Hoài Châu (nay Tầm Dương, phủ Hoài Khánh, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), xuất thân trong một gia đình quan lại nhỏ sa sút. Thuở thiếu thời giỏi văn thơ, được giao du với các con của tể tướng Lệnh Hồ Sở, trong đó có Lệnh Hồ Đào.
(2)Hồng đậu có hột hình tròn, màu sắc tươi hồng, hình dạng đáng yêu, thường làm trang sức trên mái tóc phụ nữ. Người xưa lấy cây này biểu tượng cho tình yêu nên mới có tên là cây “tương tư”.
ĐƯỜNG RA BIÊN ẢI
Xuất tái khúc 出塞曲 • Khúc hát ra ải
Giả Chí 賈至
出塞曲
萬里平沙一聚塵,
南飛羽檄北來人。
Xuất tái khúc
Vạn lý bình sa nhất tụ trần,
Nam phi vũ hịch bắc lai nhân.
Dịch:
Vạn dặm bãi dài cát tụ đây,
Tòng quân Nam hịch bắc lên ngay.
***
ĐƯỜNG RA BIÊN ẢI
Đường ra biên ải chập chùng xa
Lửa khói mịt mù nắng chói lòa
Bụi đỏ mù trời trên đất bạn
Quê nhà xa tắp tháng ngày qua
Rừng rực theo chân những Chiến đoàn
Hành quân Tây tiến đến Nam Vang
Áo giáp trên vai ta vững tiến
Diệt thù ngăn cộng khỏi làm càn.
Khói bếp nhà ai bay mỏng manh
Ta mơ khúc hát ở kinh thành
Những ngày êm ả tan chinh chiến
Ước vọng bình yên qua rất nhanh
Thốt nốt hàng cây như đứng im
Lâm thôn rộn rã tiếng ca êm
Nghe đâu tiềm thức xưa về lại
Một thuở nào xa trên xứ Chiêm.
Ôi đã một thời ta lính chiến
Gót giày dẫm đạp nẻo Cao Miên
Ngồi đây nhớ lại thời nguy biến
Uống rượu nhìn trời cao ngả nghiêng.
VŨ UYÊN GIANG
(Bonaire, GA 5/5/2020 – Nhớ khi hành quân sang đất Miên)
UỐNG RƯỢU Ở TÂY NINH
Xuân tứ kỳ 2 春思其二 Giả Chí
春思其二
紅粉當壚弱柳垂,
金花臘酒解酴醾。
Xuân tứ kỳ 2
Hồng phấn đương lư nhược liễu thuỳ,
Kim hoa lạp tửu giải đồ my.
Dịch của Điệp luyến hoa
Trong quán má hồng, liễu nhả tơ,
Hoa vàng rượu lạt giải đồ my.
***
UỐNG RƯỢU Ở TÂY NINH
Biên trấn Tây Ninh xuân nhớ nhà
Giải sầu bia rượu nghĩ phương xa
Ta mềm môi uống cùng anh bạn
Từ chiến trường xa mới trở về.
Hãy uống cạn luôn chén rượu này
Mai ra chiến trận chết nào hay
Những thằng Việt cộng như đàn chuột
Lủi trốn trong hang nhục lắm thay.
Uống cho thằng bạn chết ngoài xa
Chinh chiến điêu linh thiệt chẳng ngờ
Gãy cánh giữa đường trên trận tuyến
Poncho bọc xác đất bạn kia.
Ta khóc khi nghe bạn đã ngừng
Trò chơi chiến trận vẫn chưa xong
Ôi thôi bạn đã ra đi trước
Bỏ lại mình ta mắt đã rưng.
Cuộc đời lính chiến ai mà biết
Chết sống chẳng qua một lỡ làng
Đạn nổ vang trời mù lửa khói
Tấm thân hèn mọn sẵn sàng buông.
VŨ UYÊN GIANG
Bonaire, GA 6 tháng 5 năm 2020
Để nhớ khi ngồi uống bia với bạn tôi Chuẩn úy Nguyễn Trọng Thanh, Sư đoàn 25BB ở quán Kim 4 Tây Ninh năm 1974.
(1) Tô Thức 蘇軾 (1037-1101) tự Tử Chiêm 子瞻, Hoà Trọng 和仲, hiệu Đông Pha cư sĩ 東坡居士, người đời thường gọi là Tô Đông Pha 蘇東坡, thuỵ Văn Trung 文忠, người My Sơn (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Hoa). Ông từng làm quan Thông phán, Thái thú. Cha là Tô Tuân, em là Tô Triệt, đều là các đại gia thi văn, đương thời người ta gọi là Tam Tô.
TUỔI GIÀ NGHĨ VẨN VƠ
L’âge d’or de l’avenir
Tuổi vàng của tương lai
Afred de Vigny (1)
“Le rideau s’est levé devant mes yeux débiles,
La lumière s’est faite et j’ai vu ses splendeurs…”
Dịch:
Kéo rèm trước mắt ngu ngờ,
Tạo ra ánh sáng sắc màu lung linh…
***
TUỔI GIÀ NGHĨ VẨN VƠ
Tuổi hạc trời cho sống vẫn vui
Ngõ trúc chim đua hót thảnh thơi
Nhìn ra sân trước hoa đua nở
Đôi bướm chập chờn bên đóa tươi
Thược dược, hoa hồng trong nắng xuân
Dường như ong bướm cũng như gần
Tung tăng chú sóc chuyền cành lá
Nhảy nhót tưng bừng ở trước sân
Ta ở trong nhà lúc dịch tàu
Chung quanh hoang vắng có ai đâu
Giam thân cấm túc trong nhà ở
Anh bạn nhà bên lắc lắc đầu
Ta vẫn vui cùng cây với cỏ
Sân sau hoa trái cũng lưa thưa
Bưởi bòng chanh quýt hoa đang nở
Phượng vỹ năm sau chắc nở hoa.
Hy vọng trời cho ta được khỏe
Tuổi cao viết lách lấy làm vui
Nhớ bạn đôi vần thơ lếu láo
Mua vui bạn hữu thế mà thôi.
VŨ UYÊN GIANG
(1) Afred de Vigny (1797-1863) là nhà thơ, nhà văn và nhà viết kịch Pháp. Ông sinh tại Loches. Làm sĩ quan, ông dự trận Y-pha-nho (Espagne) ở Tây Ban Nha. Trung đoàn của ông đóng ở biên giới Pháp. Trong dịp này ông đã viết bài "Le cor" (Chiếc tù và), kể sự tích Roland tử trận. Ngay từ năm 1920, ông đã hoạt động cho phong trào lãng mạn. Năm 1922 ông xuất bản cuốn thơ đầu tiên. Sau năm 1830, ông quay về tiểu thuyết và kịch. Afred de Vigny được bầu vào Viện Hàn lâm năm 1845. Ông tạ thế tại Paris năm 1863, thọ 66 tuổi.
MÃI MÃI YÊU EM
Riêng tặng vợ hiền TRẦN MINH TÚ
Souvenir - Kỷ niệm
Alphonse de Lamartine (*)
Comme deux rayons de l'aurore,
Comme deux soupirs confondus,
Nos deux âmes ne forment plus
Qu'une âme, et je soupire encore !
Dịch:
Như hai ánh bình minh
Hai làn hơi hoà trộn
Hai linh hồn đúc một
Tôi vẫn còn thở than
***
MÃI MÃI YÊU EM
Em đến bên đời anh mãi mãi
Chung lòng, chung cả những niềm vui
Trăng kia như thấy niềm ao ước
Trăng sáng đêm nay, sáng cả trời
Em và anh mãi nắm tay nhau
Đi đến nẻo xa khắp địa cầu
Trong tay hạnh phúc cùng ca hát
Vui ở kiếp này, cả kiếp sau.
“Nếu có điều gì vĩnh cửu được” (1)
Anh sẽ cùng em sống trọn đời
Và sống tiếp muôn đời kiếp khác
Để đôi ta mãi trọn yêu thôi.
Em ạ, mong em luôn khỏe, vui
Cùng anh đi đến cuối chân trời
Nỗi buồn xin hãy quên đi hết
Chỉ để yêu dời, yêu mãi thôi.
VŨ UYÊN GIANG
Mother’s day 2020
(1)Mãi Mãi Bên Em: Nhạc và lời của Từ Công Phụng
“Nếu có điều gì vĩnh cửu được. Thì em ơi đó là tình yêu chúng ta…”
(*)Alphonse - Marie Prat de Lamartine (1790-1860), nhà thơ và nhà chính trị Pháp, nhiều lần đi du lịch nước ngoài (Italia, Trung Á), một thời gian ở trong đội cảnh vệ Hoàng gia. Cái chết của người yêu (Elvire) tháng 12/1817 là một cái tang lớn đối với ông. Nỗi đau khổ ấy ông đã gửi gắm vào tập thơ đầu tiên Trầm tư (Meditations poétiques, 13/3/1820)
NGHE TIẾNG CHUÔNG CHÙA
遊普明寺
寥寥古鼎今何在,
識得無形勝有形。
Nguyễn Bỉnh Khiêm - 阮秉謙(1)
Du Phổ Minh tự (2)
Liêu liêu cổ đỉnh kim hà tại?
Thức đắc vô hình thắng hữu hình.
Dịch nghĩa:
Vắng vẻ lặng lẽ, vạc xưa nay còn đâu?
Thế mới biết vô hình vẫn thắng hữu hình.
Dịch:
Vắng không, cổ đỉnh, rày đâu tá!
Mới biết vô hình thắng hữu hình.
***
NGHE TIẾNG CHUÔNG CHÙA
Chùa xa văng vẳng tiếng chuông ngân
Lãng đãng trời cao mây trắng ngần
Khóm trúc hiên nhà đang rũ bóng
Nhà ai sen nở thoảng hương sang.
Nhớ mái chùa quê ở đất xưa
Những chiều, những sáng tiếng ê a
Hồi kinh hồi hướng lan theo gió
Lay động hồn ai năm tháng qua.
Ngã Phật từ bi qua bến giác
Mở đường soi lối với hùng tâm
Mong sao trí dũng lòng không khác
Hải triều âm vọng cõi bình an
Quay đầu mới biết đâu là ngạn
Chìm đắm làm chi những khổ đau
Diệu đế cõi người không thể khác
Tu tâm, hành thiện mở đời sau.
Ôi tiếng chuông chùa thuở tuổi thơ
Còn nghe âm vọng đến bây giờ
Ngân nga trong gió nghe trầm lắng
Lắng đọng hồn ai trong giấc mơ
Xa lắm mái chùa cổ tích xưa
Rêu phong phủ kín dấu xa mờ
Chỉ còn dĩ vãng ngày xa cũ
Rụng xuống bên đời dăm tiếng thơ.
VŨ UYÊN GIANG
Phật Đản 2020
(1)Nguyễn Bỉnh Khiêm 阮秉謙 (1491-1585) huý là Văn Đạt 文達, tự Hanh Phủ 亨甫, hiệu Bạch Vân cư sĩ 白雲居士, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương, nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Xuất thân từ một gia đình trí thức Nho học, cha là Nguyễn Văn Định có văn tài, học hạnh. Mẹ là Nhữ Thị Thục, con thượng thư Nhữ Văn Lan, thông tuệ, giỏi văn chương, am tường lý số. Nguyễn Bỉnh Khiêm thông minh, hiếu học, từ nhỏ đã được mẹ đem thơ quốc âm và kinh truyện ra dạy. Lớn lên, vào Thanh Hoá, theo học bảng nhãn Lương Đắc Bằng, được thầy truyền thụ môn học Dịch lý và sách Thái Ất thần kinh. Tuy học giỏi, nhưng lớn lên vào lúc xã hội loạn lạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm ẩn chí, đợi thời, không chịu ra thi. Mãi sau này, Mạc thay Lê, tình hình xã hội ổn định, ông mới ra ứng thi, đậu trạng nguyên (153…
(2)Chùa Phổ Minh (Phổ Minh tự 普明寺) ở xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường, nay thuộc xã Lộc Vượng, huyện Mỹ Lộc, Nam Định. Chùa được xây dựng từ thời Trần, trong đó có vạc Phổ Minh nổi tiếng. Vạc đã bị quân xâm lược Minh phá làm súng đạn năm 1426, khi bị nghĩa quân Lam Sơn bao vây.
HÀNH QUÂN Ở TRẢNG BÀNG
Nhớ thuở hành quân xứ Trảng Bàng
Quân ta hừng hực tấn công sang
Phá tan chốt giặc An Ninh xã
Rồi đến dừng chân ở Lộc Giang.
Ta vào thăm lại Ấp An Hòa
Xóm đạo Tha La ở chỗ kia
Một thời áo tím cài hoa trắng (1)
Như đã phai tàn những chuyện xưa.
Cô gái Tha La thật dễ thương
Thẹn thùng ánh mắt ngó mung lung
Khiến tim chiến sĩ càng xao xuyến
Chết giấc hồn ai nỗi vấn vương?
Lính chiến dừng quân được mấy ngày
Gặp em chẳng muốn bước đi ngay
Nhưng quân lệnh xuống làm sao được
Nên hẹn mùa sau ở chốn này
Cuộc đời như nước cuốn bèo trôi
Anh mãi là người lính chiến thôi
Nay vùng Bến Thế, mai Long Khánh
Ngày khác Long An chân rã rời
Quay lại Tha La buổi cuối đông
Người xưa giờ đã bỏ sang sông
Ôi người lính chiến chân phiêu lãng
Buồn đứng bên đường mãi ngóng trông.
VŨ UYÊN GIANG
Nhớ về Tha La Xóm Đạo, Trảng Bàng, Hậu Nghĩa
TUỔI GIÀ NHỚ CHUYỆN XƯA
賜沈德潛 Tứ Thẩm Đức Tiềm
老來底越精神健,Lão lai để việt tinh thần kiện,
劫外胎禽雪裏筠。Kiếp ngoại thai cầm tuyết lý quân.
Ái Tân Giác La Hoằng Lịch - 愛新覺羅弘曆
(Càn Long, Thanh Cao Tông) (1)
Bản dịch của Nguyễn Trung Tri
Về già lại thấy càng minh mẫn
Kiếp trước tre dầm tuyết hoá thân
***
TUỔI GIÀ NHỚ CHUYỆN XƯA
Người già hay nhớ chuyện ngày xưa
Tuổi tác càng cao cứ tưởng đùa
Truyện cũ kể nghe sao vanh vách
Cứ như câu chuyện mới vừa qua.
Trời cho trí óc còn minh mẫn
Nhớ lại một thời thuở chiến chinh
Chân đạp tây chinh trên đất bạn
Quay về đuổi giặc ở Tây Ninh
Rừng núi miền đông ngăn cộng phỉ
Một thời chinh chiến rất điêu linh
Máu xương tuổi trẻ ôi hoang phí
Lũ giặc gây bao chuyện bất bình.
Bắt sống Ba Mai ở Trảng Bàng (2)
Bám chân Biệt động bọn làm càn
Chất nổ Tự Do quân quấy phá
Mười Kiều căn cứ phải tang hoang
Những chuyện ngày xưa giờ mới kể
Coi như ôn lại tháng năm qua
Những thằng lính chiến ngành Quân báo.
Đánh giặc âm thầm như bóng ma.
VŨ UYÊN GIANG
7 tháng 5 năm 2020
(1) Hoằng Lịch 弘曆 (1711-1799) tức hoàng đế Càn Long 乾隆, Thanh Cao Tông 清高宗, họ Ái Tân Giác La 愛新覺羅, huý Hoằng Lịch, là người con trai thứ tư của hoàng đế Ung Chính và là hoàng đế thứ tư của nhà Thanh, Trung Hoa. Thời kỳ trị vì của ông kéo dài hơn 60 năm từ 18-10-1735 đến 9-2-1796, và là thời cực thịnh về kinh tế và quân sự của nhà Thanh.
(2) Ba Mai: tên thật là Mai Văn Sổ, Cụm trưởng Cụm X.10 Quân Báo (xin đọc truyện Bắt Sống Ba Mai ở Xã An Tịnh, Quận Trảng Bàng trong Tập truyện Phi Vụ Bí Mật Trên Đất Thái Lan của Vũ Uyên Giang do Văn Học Mới xuất bản năm 2021)
NHỚ BUỔI UỐNG RƯỢU
TRÊN BALCON EAGLE HOUSE Ở ARANYA PRATHET
(Tặng Lê Văn Tống, Trần Minh Ngọc, Trương Long, Nguyễn Kim Quang)
Hoàng Hạc lâu 黃鶴樓
Nguyễn Trung Ngạn - 阮忠彥 (1)
猛拍欗杆還自傲,
江山奇絕我茲遊。
Mãnh phách lan can hoàn tự ngạo,
Giang sơn kỳ tuyệt ngã tư du.
Dịch:
Hứng lên gõ mạnh lan can,
Non sông thắng tích ta sang đây rồi!
***
NHỚ BUỔI UỐNG RƯỢU
TRÊN BALCON EAGLE HOUSE Ở ARANYA PRATHET
Từ độ xa quê ôm nhớ thương
Bọn ta năm đứa sống lưu vong
Mảnh đất Aran ngồi uống rượu
Tưởng là câu chuyện rất hoang đường
Mềm môi rượu đắng, lòng cay đắng
Đã mất quê hương năm bảy lăm
Quê cũ không là quê cũ nữa
Chừng như nuốt nghẹn mối hờn căm.
Hoàng hạc lầu kia ở chốn nao
Ta nghe nghiệt ngã cũng tuôn trào
Ngồi đây uống rượu sao mà nhớ
Một thuở nào xưa đến nghẹn ngào.
Biệt xứ tha hương vẫn gặp nhau
Mấy chung rượu nhạt lại thêm sầu
Tủi đời viễn xứ thân phiêu bạt
Như có trong lòng vạn nỗi đau.
Gõ chén mà ca khúc đoạn trường
Lệ rơi lã chã nỗi bi thương
Chao ơi! Nước mất lòng tan nát
Ngồi nhơ quê xa tủi ngập lòng.
VŨ UYÊN GIANG
(Nhớ lúc ngồi trên lầu Eagle House ở Aran uống rượu)
(1)Nguyễn Trung Ngạn 阮忠彥 (1289-1370) tự Bang Trực 邦直, hiệu Giới Hiên 介軒, sinh tại làng Thọ Hoàng, huyện Thiên Thi, tỉnh Hưng Yên. Nguyễn Trung Ngạn từ nhỏ đã thông minh xuất chúng, nổi tiếng thần đồng. Năm 15 tuổi (1304) ông đã đỗ hoàng giáp đời vua Trần Anh Tông, có trong tay bằng tiến sĩ (cùng khoa với Mạc Ðĩnh Chi), năm 24 tuổi được làm Giám quân, năm 28 tuổi đi sứ nhà Nguyên. Tính ông cương trực, tài kiêm văn võ, có nhiều đóng góp cho công việc xây dựng và bảo vệ đất nước lúc bấy giờ. Ông phò tá Vua Trần Minh Tông trong các chiến dịch bình định vùng Đà Giang và dẹp loạn ở Lào. Trong cuộc đời làm quan qua năm đời vua triều Trần, ông từng được phong Đại học sĩ Trụ quốc Hướng huyện bá, Thiếu bảo Khai quốc nội hầu,... cuối cùng làm đến chức Ðại hành khiển tước Thân quốc công, thọ 82 tuổi.
ANH HÙNG VÀ RƯỢU
“…Chúng mình nhậu để trừ hao
Bảy ngày sắp đến nghêu ngao trong rừng
Mùa này gió núi mưa bưng
Trong lòng thiếu rượu anh hùng nhát gan
Mùa này gió bãi mưa ngàn
Trong lòng thiếu rượu hoang mang nhớ nhà…”
Nguyễn Bắc Sơn – Một Tiếng Đồng Hồ Trước Khi Lên Đường Hành Quân) (1)
***
ANH HÙNG VÀ RƯỢU
Này anh bạn hãy nhắp thêm ly nữa
Cuộc chiến này coi bộ vẫn còn dài
Quay mặt lại xem ván bài sấp ngửa
Có còn không khi lỡ dở hình hài
Xem cuộc chiến vẫn theo ta thêm nữa
Xá gì đâu chút lẻ tẻ vài ly
Hãy uống tiếp trước khi ta lên ngựa
Lao mình vào chiến trận chẳng suy bì
Chân vẫn bước trên dặm đường sinh tử
Súng cầm tay, áo giáp vẫn xông pha
Núi rừng kia, muôn kiếp vẫn là nhà
Xin cứ uống và uống thêm chén nữa.
Anh hùng mạt vận cần chi lon lá
Giữa nhục vinh vẫn giữ một hình hài
Vẫn hăng say chiến đấu mãi không lui
Thằng giặc cộng rình mò như chuột lắt.
Trong chiến trận ta trừng trừng con mắt
Ngó sao trời cao vút chín từng mây
Xé màn đêm heo hút giữa đêm dài
Lòng có rượu nên chẳng hề chết nhát.
VŨ UYÊN GIANG
(Nhớ thuở Chiến trường xưa)
(1)Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn sinh năm 1944 tại Phan Thiết, ông tên thật là Nguyễn Văn Hải, qua đời ngày 4 tháng 8 năm 2015, cũng tại Phan Thiết. Trước năm 1975, ở miền Nam, ông chỉ xuất bản một tập thơ duy nhất, Chiến tranh Việt Nam và tôi (1972); sau năm 1975, sống trong nước, ông cũng chỉ in được một tập thơ, Ở đời như một nhà thơ Đông Phương (1995), trong đó có khá nhiều bài thơ đã in trong tập thơ đầu.
ĐỌC THƠ NGƯỜI XƯA CẢM THÁN
Tự thuật kỳ 2 自述其二
Bùi Hữu Nghĩa 裴有義(1)
霜鬢傷遲暮,Sương mấn thương trì mộ,
消愁酒一樽。Tiêu sầu tửu nhất tôn.
Dịch:
Thấy tóc sương mà thương đời ta tàn lụi,
Để tiêu sầu uống rượu để mà vui.
***
ĐỌC THƠ NGƯỜI XƯA CẢM THÁN
Nhìn tóc bạc phơ người thấy buồn
Phong trần ta cũng trắng như sương
Cũng ngồi uống rượu vui bằng hữu
Viễn xứ lưu vong ta tứ phương
Ngẫm lại ta buồn nhiều như thế
Ông không mất nước lấy gì đau?
Ta ngồi ôm mối sầu vô hạn
Thử hỏi làm sao ta giống nhau?
Mối hận đau lòng không nói được
Khi không bỗng chốc thế mà thua
Phải chi thua bởi vì ta nhát
Cũng chẳng khiến lòng ta nhói đau
Đánh trận mà hai tay bị trói
Đồng minh hèn hạ lén đâm sau
Đánh đấm làm sao khi phản bội
Trò đuà sinh tử chẳng ra sao.
Ta ngỡ loài người ai cũng thật
Tin lầm điếm thúi sở khanh kia
Bởi thế mà ta thua sạch túi
Thua luôn đất nước tủi lia chia
Chén rượu uống vào như giọt đắng
Mềm môi cũng chẳng hết u sầu
Đốt bao oan nghiệt bao đau khổ
Cũng chẳng khi nào hết nỗi đau
VŨ UYÊN GIANG
(1)Bùi Hữu Nghĩa 裴有義 (1807-1872) hiệu là Nghi Chi, người làng Long Tuyền, Bình Thuỷ, tỉnh Cần Thơ. Ông đỗ giải nguyên trường hương Gia Định năm 28 tuổi (1835, Minh Mạng 16) nên thường gọi là thủ khoa Nghĩa. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Tồn, con ông Nguyễn Văn Lý, là người mà ông Nghĩa ở trọ học.
MIỀN NAM TRONG CẢNH TỰ DO
輓聖宗純皇帝Vãn Thánh Tông Thuần hoàng đế
(Vua Lê Thánh Tông - 黎聖宗)
南國生靈又太和,
巍巍三紀御邦家。
Bùi Phổ - 裴普 (1)
Nam quốc sinh linh hựu thái hoà,
Nguy nguy tam kỷ ngự bang gia.
Dịch nghĩa
“Sinh linh nước Nam hưởng cảnh thái hoà
Nhờ có ba mươi sáu năm sừng sững, trông coi đất nước…”
***
MIỀN NAM TRONG CẢNH TỰ DO
Đất nước Việt Nam xứ Cộng Hòa
Người dân được vui sống tự do
Hòa bình, hạnh phúc trong êm ấm
Một dải giang sơn chẳng phải lo
Miền Nam đang trong cảnh thái hòa
Việt cộng rừng sâu bỗng kéo về
Mang theo kinh sợ hãi hùng quá
Giết hại dân lành thật thảm thê
Hòn Ngọc Viễn Đông đã một thời
Thủ đô hoa lệ cảnh xinh tươi
Là niềm mơ ước bao dân bạn
Được giống Việt Nam thế mới vui.
Dân tình thế thái sống bình yên
Thẳng cánh cò bay ruộng mọi miền
Ao sâu kinh rạch nhiều tôm cá
Hiếu khách vô cùng đến tự nhiên.
Không lo không nghĩ vô tư sống
Sáng sáng cà phê, tôi nhậu chơi
Cải lương vọng cổ cùng ca hát
Cuộc sống thanh bình sao thảnh thơi
Quỷ đỏ từ phương Bắc kéo vào
Đạn mìn hung bạo ác làm sao
Gây bao tang tóc bao hờn oán
Chết chóc điêu linh lệ nghẹn ngào.
VŨ UYÊN GIANG
(1)Bùi Phổ 裴普 (1443-?) người xã Lê Xá, huyện Nghi Dương, đạo Hải Dương (nay thuộc tỉnh Nam Định). Năm 25 tuổi, đỗ Chính tiến sĩ khoa Đinh Mùi Hồng Đức thứ 18 (1487). Khoa ấy có 16 người đỗ tiến sĩ, trong đó có Nguyễn Đức Huấn, Nguyễn Bảo Khuê, Ngô Hoan, Đoàn Huệ Nhu, Đỗ Thuần Thông, sau này tham gia Hội Tao Đàn. Sau Bùi Phổ làm quan đến Hàn lâm viện hiệu lý.
ĐỌC THƠ VUA LÊ THÁNH TÔNG
Bài thơ cuối cùng trước khi chết của Vua Lê Thánh Tông
Ngày 17 tháng 11 âm lịch năm 1496, niên hiệu Hồng Đức thứ 27, Vua Lê Thánh Tông bắt đầu không khỏe; trong một thời gian sau đó ông vẫn xét đoán việc chính sự. Đến ngày 29 tháng 1 âm lịch (2 tháng 3 dương lịch) năm 1497, bệnh của ông bất ngờ trở nặng. Nhà vua ngồi tựa ghế ngọc, chỉ định Hoàng thái tử Lê Tranh kế nghiệp. Giờ Thìn ngày hôm sau, 30 tháng 1 âm lịch (3 tháng 3 dương lịch), Lê Thánh Tông qua đời ở điện Bảo Quang, hưởng thọ 56 tuổi. Trước khi mất, ông có để lại một bài thơ tự thuật:
自述 Tự thuật
五十年華七尺軀,
剛腸如鐵卻成柔。
風吹窗外黃花謝,
露浥庭前綠柳癯。
碧漢望窮雲杳杳,
黃梁夢醒夜悠悠。
蓬萊山上音容斷,
冰玉幽魂入夢無。
(Vua Lê Thánh Tông - 黎聖宗)
Tự thuật
Ngũ thập niên hoa thất xích khu,
Cương trường như thiết khước thành nhu.
Phong xuy song ngoại hoàng hoa tạ,
Lộ ấp đình tiền lục liễu cù.
Bích hán vọng cùng vân diểu diểu,
Hoàng lương mộng tỉnh dạ du du.
Bồng Lai sơn thượng âm dung đoạn,
Băng ngọc u hồn nhập mộng vô.
Bản dịch:
Năm chục hoa niên bảy thước thân,
Lòng như sắt cứng bỗng mềm dần.
Gió lay khô héo hoa bên cửa,
Sương dãi gầy mòn liễu trước sân.
Trời biếc xa trông, mây thăm thẳm,
Kê vàng tỉnh giấc đối bâng khuâng.
Khuất lời cách mặt, non Bồng vắng,
Băng ngọc du hồn nhập mộng chăng?
***
ĐỌC THƠ VUA LÊ THÁNH TÔNG
Đọc bài thơ cuối cảm thương ông
Tuổi tác chưa cao đã giá băng
Năm sáu (56) tuổi đời chưa phải thọ
Đức tài ông để lại ngàn năm
Nghiệp bút văn thơ bậc trí hiền
Ca ngâm xướng họa cảnh thần tiên
Dựng xây Văn Miếu, Tao Đàn hội
Tiến sĩ đặt bia lưu vạn niên
Ông cũng hiên ngang dựng cõi bớ
Tây chinh, Nam tiến mở cơ đồ
Bắc biên giữ vững yên bờ cõi
Giáo dục nâng cao chẳng phải lo.
Sự nghiệp của ông để lại sau
Kho tàng quý báu mãi bền lâu
Nghìn năm gương sáng soi kim cổ
Nhân thế đời sau cũng cúi đầu.
Ba sáu năm ngồi nghiệp đế vương
Giã từ thần tử để lên đường
Về nơi cõi khác xa trền thế
Rực rỡ muôn đời Lê Thánh Tông.
VŨ UYÊN GIANG
VỊNH HẠ LONG
An Bang phong thổ 安邦灃土 (1)
Lê Thánh Tông - 黎聖宗 (2)
安邦灃土
海上萬峰宭玉立,
星羅奇布翠崢嶸。
魚鹽如土民趍便,
鏵稻無田賦薄征。
An Bang phong thổ
Hải thượng vạn phong quần ngọc lập,
Tinh la kỳ bố thuý tranh vanh.
Ngư diêm như thổ dân xu tiện,
Hoa đạo vô điền phú bạc chinh.
Dịch nghĩa
Muôn ngọn núi nổi trên mặt biển trông như những viên ngọc đẹp
La liệt như những vì sao, những quân cờ, chênh vênh một màu xanh biếc
Cá muối nhiều như đất, nhân dân đua theo nghề đó rất tiện lợi
Ruộng không cấy lúa cho nên thuế má nhẹ
***
VỊNH HẠ LONG
Những núi nhấp nhô nổi bập bềnh
Như trôi trên biển rất lênh đênh
Hang luồn khe núi bao là động
Thạch nhũ hang sâu lối gập ghềnh
Kìa đảo con gà đứng kế bên
Đầu người như cũng nổi lên trên
Chênh vênh vách đá nghìn cây mọc
Dưới nước nhẩn nha những chiếc thuyền
Ta đến thăm đây buổi nắng hè
Biển xanh, mây trắng bóng cây che
Gió mát buổi trưa êm dịu quá
Vào xem sửng sốt lội qua khe.
Cảnh sắc thiên nhiên thật hữu tình
Trên thuyền ta ngắm cảnh bình minh
Mênh mông sương mỏng qua khe núi
Lòng thấy bình yên giữa lặng thinh
Tạo hóa dựng nên đẹp ngỡ ngàng
Ngàn năm đảo vẫn đứng hiên ngang
Trải bao dâu bể, bao thay đổi
Vòng xoáy thời gian vẫn chẳng màng.
VŨ UYÊN GIANG
Hang luồn, đầu người, con gà, thạch nhũ, sửng sốt là tên các đảo hoặc hang động.
(1)An Bang là tên lộ thời Hồng Đức, nay là vùng Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
(2) Lê Thánh Tông 黎聖宗 (20 tháng 7 năm Nhâm Tuất 1442 – 30 tháng 1 năm Đinh Tỵ 1497), huý Lê Tư Thành 黎思誠, còn có huý khác là Lê Hạo 黎灝, là vị vua thứ năm thời Lê sơ và là con thứ 4 của vua Lê Thái Tông và bà tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao. Trong lúc trị vì, ông đã đưa ra nhiều cải cách trong hệ thống quân sự, hành chính, kinh tế, giáo dục và luật pháp. Ông cũng đã mở mang bờ cõi nước Đại Việt bằng cách đánh chiếm thủ đô của nước Chiêm Thành, sát nhập một phần lãnh thổ Chiêm Thành vào Đại Việt; đồng thời có cuộc hành quân về phía Tây đất nước. Ông trị vì từ năm 1460 đến lúc mất, và được nhiều nhà sử học đánh giá là một trong những vị vua tài ba trong lịch sử Việt Nam. Ông cũng được coi là nhà văn hóa và là người coi trọng người hiền tài. Thụy hiệu do vua Lê Hiến Tông đặt là Sùng Thiên Quảng Vận Cao Minh Quang Chính Chí Đức Đại Công Thánh Văn Thần Vũ Đạt Hiếu Thuần Hoàng Đế.
QUA SÔNG VÀM CỎ ĐÔNG
Bạch Hạc giang trung 白鶴江中 • Trên sông Bạch Hạc
白鶴江中
只愛肝腸生鐵石,
豈將頭角怨羲娥。
此行塵事關心少,
惟有東流感慨多。
Lê Thánh Tông 黎聖宗
Bạch Hạc giang trung
Chỉ ái can trường sinh thiết thạch,
Khởi tương đầu giác oán hi nga.
Thử hành trần sự quan tâm thiểu,
Duy hữu đông lưu cảm khái đa.
Dịch nghĩa
Chỉ quý ở chỗ tính cách cứng rắn như sắt đá,
Lẽ nào lại đem tài năng oán trách đất trời.
Chuyến đi này ta ít quan tâm đến việc thế tục,
Chỉ có dòng nước cuồn cuộn chảy về đông kia làm ta xúc cảm nhiều.
Dịch:
Chỉ quý lòng son như sắt đá,
Há vì tài mọn oán trời cao.
Chuyến này việc thế quan tâm ít,
Cuồn cuộn dòng đông cảm khái nhiều.
***
QUA SÔNG VÀM CỎ ĐÔNG
Nhớ chuyến hành quân Vàm Cỏ Đông
Nước sông lờ lững chảy xuôi giòng
“Đám lá tối trời” ngươi ẩn nấp
Bèo Kinh Trà Cú nổi bềnh bồng.
Giang thuyền lướt sóng trên sông rạch
Săn bắt cộng thù lẩn quất kia
Lính chiến vào vườn thơm Lý Mạnh (1)
Mấy thằng giặc cỏ trốn lia chia.
Vàm Cỏ năm nào ta tiến quân
Chao ơi tôm cá nổi lềnh bềnh
Tôm càng lính vớt cho ta nhậu
Rượu uống vài ly không nhát gan
Sóng vỗ mạn thuyền ta hát ca
Một thân lính chiến mãi xa nhà
Lao vào hung hiểm trong bom đạn
Rôi cũng ngâm bài chính khí ca.
VŨ UYÊN GIANG
(1) Vườn thơm Lý Văn Mạnh ở Đức Hòa
NỖI NHỚ QUÊ XA
Chợt thấy lòng buồn như nghĩa trang
Chao ơi! Giòng lệ chảy hai hàng
Nỗi sầu thiên cổ trong tiền kiếp
Rơi xuống thành thơ tiếng thở than.
Ngồi đây nhớ đến tháng ngày qua
Một chút ưu tư đến tuổi già
Tóc trắng phất phơ chiều gió lộng
Nghe đâu một thoáng cũng phôi pha
Gặm nhấm hồn ta một sũng buồn
Chao ơi giọt lệ cũng rơi tuôn
Tiếc thân viễn xứ lòng se sắt
Tít tắp phương xa ôi cố hương.
Nhớ mãi ngày xưa dưới nắng tà
Cánh đồng xanh mướt tận ngoài xa
Cò bay thẳng cánh, chim xao xác
Vắt vẻo mình trâu chú bé kia
Xa quá quê hương khuất nẻo tìm
Bóng hình quê cũ mãi trong tim
Mơ về đất mẹ lòng chua xót
Dõi mắt buồn trông bóng dáng chim.
VŨ UYÊN GIANG
ĐÊM NẰM TRÊN ĐẤT ĐỊCH
(Tặng anh Trần Đức Nhã và Hồ Văn Mẫm để nhớ lúc hành quân ở Bến Thế, Bình Dương phối hợp cùng 1 đơn vị thiết giáp của Mỹ)
Chu Nguyên Chương - 朱元璋 (Minh Thái Tổ) (1)
無題 Vô đề
夜間不敢長伸腳,
恐踏山河社稷穿。
Dạ gian bất cảm trường thân cước,
Khủng đạp sơn hà xã tắc xuyên.
Dịch:
Đêm dài chả dám đưa chân duỗi,
Chỉ sợ non sông bị vỡ tan.
***
ĐÊM NẰM TRÊN ĐẤT ĐỊCH
Thiết giáp rừng cây rộng bạt ngàn
Đi vào Bến Thế buổi đầu xuân
Ta ngồi vắt vẻo trên xe ngó
Vừa uống bia mà vẫn tiến quân.
Tiến chiếm mục tiêu quá dễ dàng
Cộng quân như vịt bị tan đàn
Chém vè chạy trốn trong rừng thẳm
Anh bạn đồng minh đứng thở than
Lính trẻ Hoa kỳ ở thật xa
Đến đây chiến đấu tưởng chơi đùa
Mới nghe tiếng súng run cầy sấy
Cúi mặt, ôm đầu khóc chết cha
Đêm xuống đóng quân ở giữa rừng
Hỏi thăm lính Mỹ hãy còn run
Ôi chao lính mới chưa kinh nghiệm
Chỉ nghĩ thôi mà nước mắt rưng.
“Nếu ta lỡ chết vì say rượu (2)
Nào có xá gì bỏ cuộc vui
Hãy uống dăm lon cho đỡ sợ
Nghe ra cũng có chút bùi ngùi.
Nằm trong đất địch ngắm sao trời
Cũng thấy lòng như chút ngậm ngùi
Thương bao bạn hữu đời chinh chiến
Máu đổ xương rơi cũng thế thôi.
VŨ UYÊN GIANG
(1) Chu Nguyên Chương 朱元璋 (1368-1398) tức Minh Thái Tổ 明太祖, thuở nhỏ tên là Trùng Bát 重八, về sau đổi tên thành Hưng Tông 興宗, tên chữ là Quốc Thụy 國瑞, người huyện Chung Ly, Hào Châu (phía đông huyện Phụng Dương, tỉnh An Huy ngày nay), là hoàng đế khai quốc của vương triều Minh trong lịch sử Trung Hoa, trên ngôi vua từ năm 1368 đến 1398, niên hiệu Hồng Vũ 洪武, miếu hiệu Thái Tổ 太祖, thuỵ hiệu là Cao Hoàng đế 高皇帝.
(2)Trích thơ Nguyễn Bắc Sơn trong bài Mật Khu Lê Hồng Phong. Nguyễn Bắc Sơn tên thật là Nguyễn Văn Hải sinh năm 1944 tại Phan Thiết đã qua đời ngày 4 tháng 8 năm 2015 ở VN. Tác phẩm đã xuất bản: Chiến tranh Việt Nam và tôi (1972); sau năm 1975, sống trong nước, ông cũng chỉ in được một tập thơ, Ở đời như một nhà thơ Đông Phương (1995)
ĐÊM XUÂN NHỚ BẠN CHIẾN TRƯỜNG XƯA
Xuân dạ 春夜 •
Đêm xuân Vương An Thạch 王安石 (1)
春夜
金爐香盡漏聲殘,
剪剪輕風陣陣寒。
Xuân dạ
Kim lô hương tẫn, lậu thanh tàn,
Tiễn tiễn khinh phong trận trận hàn.
Dịch nghĩa
Hương trong lò vàng đã hết, tiếng giọt đồng hồ cũng tàn,
Gió nhẹ từng cơn lạnh như cắt.
Bản dịch của Điệp luyến hoa:
Lò vàng hương hết, tiếng canh tàn,
Vi vút từng cơn gió lạnh tràn.
***
ĐÊM XUÂN NHỚ BẠN CHIẾN TRƯỜNG XƯA
Từ giã chiến trường đã rất lâu
Đêm xuân nhớ bạn bỗng dưng sầu
Một thời chinh chiến vòng nguy hiểm
Chén rượu quan hà kịp uống đâu.
Mày đi Quảng Trị mù xa tắp
Tao ở Tây Ninh cũng chẳng yên
Pháo giặc mỗi ngày ôi sấp mặt
Dưới hầm tránh đạn chẳng hề than.
Đạn dược xăng xe đều chẳng đủ
Mỗi ngày đạn pháo chỉ 2 viên
Còn xăng lít rưỡi sao mà chạy?
Đề máy không thôi đã sạch trơn.
Đánh giặc hai tay như bị trói
Hỏi sao mà đánh trận này đây?
Chúng ta sinh giữa thời chinh chiến
Chấp nhận hy sinh thật chẳng may.
Xuân đến, tao ngồi uống rượu suông
Nhớ mày thuở trước thật là thương
Thẹn thùng như thể là con gái
Từ giã trường xưa đến chiến trường.
Bỡ ngỡ lao vào cuộc chiến tranh
Đem thân giúp nước cũng không thành
Hy sinh tuổi trẻ trong oan nghiệt
Nước mắt nào rơi, dạ chẳng đành.
VŨ UYÊN GIANG
Bonaire, GA – Xuân Canh Tý 2020
Ngồi nhớ bạn xưa
(1) Vương An Thạch 王安石 (1021–1086) tự Giới Phủ 介甫 hiệu Bán sơn lão nhân 半山老人, người ở Phủ Châu, Lâm Xuyên (tỉnh Giang Tây ngày nay), là một nhà văn lớn thời Bắc Tống và cũng là nhà kinh tế, chính trị lỗi lạc trong lịch sử Trung Hoa.
XUÂN ĐI NGẪM CHUYỆN TUỔI GIÀ
送春詞 TỐNG XUÂN TỪ - Vương Duy 王維
日日人空老,Nhật nhật nhân không lão
年年春更歸。Niên niên xuân cánh quy
DỊCH NGHĨA: LỜI TIỄN XUÂN
Ngày qua ngày, người cứ già đi
Năm qua năm, xuân lại về
Bản dịch
Người cứ già đi ngày mỗi ngày
Mỗi năm xuân lại trở về đây
***
XUÂN ĐI NGẪM CHUYỆN TUỔI GIÀ
Xuân đến già thêm lại thấy buồn
Nhìn da nhăn nhúm nghĩ mà thương
Tóc bạc phơ phơ như tuyết trắng
Tuổi trời như hạc ở đầu non
Lụm khụm bước đi xương nhức buốt
Lom khom cúi xuống cũng than đau
Ngồi lâu mỏi cổ thêm mờ mắt
Càng nghĩ càng nghe nhức cả đầu
Con cái ở xa không gần gũi
Vợ chồng già sống tựa nương nhau
Sao cho hết kiếp vòng sinh tử
Cùng nắm tay nhau đến cõi sau
Xuân vẫn cứ về mang tuổi mới
Nghĩ mà thương cái phận người già
Lủi thủi ra vào đâu có vội
Âm thầm đếm những tháng ngày qua.
Xuân đi thôi thế hết còn xuân
Như tuổi già kia đất cũng gần
Còn sống bao lâu mong được khỏe
Có về cõi khác chẳng phân vân.
VŨ UYÊN GIANG
NHỚ THÀNH QUÁCH CŨ
(Để nhớ các bạn tôi đã cùng chiến đấu cho Miền Nam tự do)
Bạch Đế thành hoài cổ 白帝城懷古 • Ở thành Bạch Đế nhớ chuyện xưa
白帝城懷古
川途去無限,
客思坐何窮。
Trần Tử Ngang 陳子昂
Bạch Đế thành hoài cổ
Xuyên đồ khứ vô hạn,
Khách tứ toạ hà cùng.
Dịch nghĩa
Đường sông còn dài vô hạn,
Ý của người ngồi trong thuyền không cùng.
***
NHỚ THÀNH QUÁCH CŨ
Thành quách rêu phong phủ bụi mờ
Thời gian phai dấu chiến trường xưa
Binh đao lửa khói bao oan nghiệt.
Dâu bể cơ hồ một giấc mơ.
Cổ thành Quảng Trị bao hung hiểm
Thịt nát xương tan ở chốn này
An Lộc ngày nào ta gãy kiếm
Hồn xưa nương gió khói mây bay.
Không ai mạc mặt anh hùng tử (1)
Chẳng khói hương theo để gọi hồn (1)
Da ngựa người xưa còn bọc xác
Áo bào chính chiến lệ rơi tuôn
Lặng lẽ bên thềm hoang giá lạnh
Ôi hồn tử sĩ có vương mang
Nỗi sầu mất nước trong cô quạnh
Hãy nhớ về nương gió khóc than
Hỡi người chiến sĩ của Miền Nam
Giặc cộng tham tàn lũ bất nhân
Khi không bỗng chốc thành thua trận
Sầu hận trong đời nỗi thở than.
Chiến trận ngày nao phủ bụi mờ
Trong cơn binh lửa tưởng là mơ
Ôm bao hoài vọng cho dân, nước
Tay trắng cuối đời vẫn ngẩn ngơ.
VŨ UYÊN GIANG
May 19th, 2020
(1) Chinh phụ ngâm: Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn.
Thành Bạch Đế do Công Tôn Thuật xây rồi xưng đế khi Vương Mãng tiếm ngôi nhà Tây Hán, di tích nay trong huyện Phụng Tiết, tỉnh Tứ Xuyên.
ĐỌC THƠ CỤ PHAN CẢM THÁN
Giai nhân kỳ ngộ cảm đề 佳人奇遇感題
• Cảm đề khi đọc truyện “Giai nhân kỳ ngộ”
Phan Chu Trinh
佳人奇遇感題
歐亞風潮撼五洲,
英雄心碎自由樓。
白頭壯士真憂國,
紅袖佳人解報仇。
談笑眼幾空一世,
死生人自足千秋。
豪情妙論紛紛是,
一讀令人壹點頭。
Giai nhân kỳ ngộ cảm đề
Âu Á phong trào hám ngũ châu,
Anh hùng tâm toái tự do lâu.
Bạch đầu tráng sĩ chân ưu quốc,
Hồng tụ giai nhân giải báo cừu.
Đàm tiếu nhãn cơ không nhất thế,
Tử sinh nhân tự túc thiên thâu.
Hào tình diệu luận phân phân thị,
Nhất độc linh nhân nhất điểm đầu.
Giai nhân kỳ ngộ diễn ca là truyện thơ lục bát của Phan Chu Trinh, gồm gần 7000 câu thơ và 27 bài thơ ca xen kẽ, trong đó có thất ngôn bát cú, thất ngôn trường thiên, thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn, hát nói, văn tế, hịch. Xuất xứ cuốn truyện là tác phẩm Kajin no Kigū (Kỳ ngộ của giai nhân), một trong ba tiểu thuyết chính trị tiêu biểu cho trào lưu văn học khai sáng vào thời Minh Trị của Nhật Bản, do Tôkai Sanshi, tên thật là Shiba Shirō (1852-1922) sáng tác và công bố trong vòng 12 năm 1885-1897. Kajin no Kigū được Lương Khải Siêu dịch ra văn xuôi Trung Quốc ngay trên con tàu đưa ông sang Nhật tránh hậu quả cuộc Chính biến Mậu Tuất, đăng lần đầu trên Thanh nghị báo năm 1898-1901, in thành sách năm 1901, sau đó in lại nhiều lần.
Năm 1906, Phan Chu Trinh sang Nhật đọc được bản dịch của họ Lương lấy làm tâm đắc, đã viết ngay bài Giai nhân kỳ ngộ cảm đề này. Và có lẽ, phải sau khi sang Pháp, ông mới bắt đầu viết truyện thơ Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, được Ngô Đức Kế cho in lần thứ nhất năm 1926 tại Hà Nội nhưng bị tịch thu và tiêu huỷ, sau đó đến 1958 được NXB Hướng Dương in và Lam Hồng phát hành.
Bản dịch của Phan Chu Trinh:
Cụm sóng Âu châu đập cái đùng,
Tan gan nát ruột kẻ anh hùng.
Kia người tóc trắng còn chăm nước,
Đến ả mày canh cũng biếng chồng.
Ba kiếp vẻ vang coi đã chắc,
Một đời lúc nhúc ngó như không,
Ngàn câu máu nóng trăm dòng luỵ,
Đọc đến ai không nhủn tấm lòng.
Bản dịch của Ngô Đức Kế:
Ngọn sóng đua tranh khắp địa cầu,
Anh hùng lắm lúc ruột gan đau.
Kìa người đầu bạc còn lo nước,
Nọ khách môi son biết trả thù.
Hay dở người đời xem mỏi mắt,
Thác còn gương sáng giọi nghìn thu.
Lời hơn lẽ phải nghe hay thiệt,
Đọc đến thì ta lại gật đầu.
ĐỌC THƠ CỤ PHAN CẢM THÁN
Phong trào độc lập khắp năm châu
Bốn bể anh hùng thấm nỗi đau
Tráng sĩ bạc đầu lo cứu nước
Giai nhân má thắm cũng đi đầu
Ông đọc thơ người, ông cảm thán
Toàn dân nước Việt há thờ ơ?
Cùng nhau nổi dậy xua quân Pháp
Giành lại non sông dựng cõi bờ.
Thế hệ cha ông đã nặng công
Vun bồi đất nước, giữ non sông
Chúng tôi tiếp nối đem công sức
Máu đổ xương phơi giống Lạc Hồng.
Giặc cộng bắc phương bán nước nhà
Ôm chân Các Mác lẫn Tàu, Nga
Đem bao hờn oán xương chồng chất
Máu đổ thành sông lệ chửa nhòa.
Thế lực ngoại bang đã rắp tâm
Sau lưng hèn mạt nhát dao đâm
Mùa xuân năm đó ôi tan nát
Cả nước ngục sâu mãi đắm chìm.
VŨ UYÊN GIANG
Bonaire, GA May 20th, 2020
(1)Phan Châu Trinh (còn được gọi Phan Chu Trinh; (1872 – 1926), hiệu là Tây Hồ, biệt hiệu Hi Mã, tự là Tử Cán. Ông là nhà thơ, nhà văn, và là nhà hoạt động chính trị thời cận đại trong lịch sử Việt Nam. Ông người làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh), tỉnh Quảng Nam.
THÂN PHẬN NGƯỜI LÍNH THUA CUỘC
Thơ Phan Chu Trinh 潘周楨:
無題
縲綏鐵鎖出都門,
慷慨悲歌舌尚存。
國土沉淪民族纍,
男兒何事怕崑崙。
潘周楨
Vô Đề
Luy tuy thiết toả xuất đô môn
Khảng khái bi ca thiệt thượng tồn
Quốc thổ trầm luân dân tộc luỵ
Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn
Phan Chu Trinh
Không Đề - Nguyễn Minh Thành cẩn dịch:
Xích tay ra khỏi chốn đô môn
Khẳng khái ngùi ca lưỡi vẫn còn
Tổ Quốc đắm chìm dân khốn đốn
Làm trai há sợ ngục Côn Lôn
***
THÂN PHẬN NGƯỜI LÍNH THUA CUỘC
Nước mất, nhà tan, nợ núi sông
Mang thân bại trận tủi khôn cùng
Một đời chinh chiến trên tiền tuyến
Thoắt chốc thành ra kẻ bại vong.
Cuộc cờ biến đổi không ngờ được
Chiến đấu oai hùng cũng phải thua
Đánh đấm hai tay như bị trói
Đồng minh bội phản chán chường chưa?
Chính trị trò chơi quân bỉ ổi
Mặt trơ trán bóng Washington
Mắt lơ mày láo phường gian xảo
Xương máu hy sinh thật uổng công.
Thua cuộc phải vào địa ngục sâu
Dưới tay cộng sản thật u sầu
Bởi thân nhược tiểu không tự chủ
Mang tiếng kẻ thua. Thế mới đau!
Ngồi đếm thời gian giữa ngục sâu
Khổ sai lao dịch bao năm sau
Những chàng trai trẻ thân cường tráng
Một chốc thành ra mắt úa màu.
Khoác lác vượn người nói tứ tung
Huênh hoang nón cối tựa quân khùng
Thằng ngu giáo dục thằng ăn học
Bàn độc lên chân thật nhố nhăng (1)
Sầu hận mang theo đến cuối đời
Nghĩ về quê cũ chẳng hề nguôi
Mật đắng nuốt hoài trôi chẳng được
Tuổi già tóc trắng lệ sầu rơi.
VŨ UYÊN GIANG
Bonaire, GA May 21st, 2020
(1)Chó nhẩy bàn độc